Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thủ đô “nóng” phát thải khí nhà kính

(Dân Việt) Quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, thủ đô Hà Nội đã trở thành 1 trong 17 đô thị lớn nhất thế giới và đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đối khí hậu (BĐKH) gây ra. Trong đó, phát thải khí nhà kính đã ở mức báo động cao.



Nông nghiệp thiệt hại nặng nề

Theo ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, TP.Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê khí nhà kính, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải, ước tính đến năm 2020 phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ các bãi chôn lấp khoảng 2,35 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 57,97% tổng phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố) - là hạng mục phát thải khí nhà kính nhiều nhất.

 thu do “nong” phat thai khi nha kinh hinh anh 1

Trận ngập lụt lớn xảy ra vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.2018 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân hai huyện Quốc Oai và Chương Mỹ.  Ảnh: Hải Đăng  

TP.Hà Nội chính thức tham gia Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” từ tháng 10.2017. Theo đó, Sở TNMT được giao là cơ quan đầu mối của thành phố phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia - cơ quan điều phối của dự án triển khai các hoạt động theo đúng mục tiêu của dự án.

Đối với lĩnh vực năng lượng, ông Lê Tuấn Định dự báo, đến năm 2020, phát thải khí nhà kính trên toàn thành phố tăng lên đến 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn (tức tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015).

“Theo đó, mức độ tổn thương do BĐKH tại các quận nội thành của Hà Nội ở mức độ cao nhất. Trong đó, gần 4.000ha diện tích nội thành có nguy cơ tổn thương cao và 648ha có nguy cơ tổn thương rất cao” - Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội nhận định.

Cũng theo ông Lê Tuấn Định, trước năm 1970 tần suất mưa, lụt lớn tại TP.Hà Nội xảy ra từ 15 - 25 năm/lần. Trong vòng 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra trở nên thường xuyên hơn với tần suất 5 - 7 năm/lần. Cùng với đó, dân số của Hà Nội cũng tăng cao (hiện thành phố có khoảng trên 7,7 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%). Không những thế, với 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ôtô, thành phố mỗi ngày tiêu thụ ước tính 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu… đây chính là nguồn phát thải khí nhà kính gây BĐKH.

"Trong 60 năm qua, các đợt lũ lụt xảy ra tại Hà Nội thường xuyên hơn với tần suất 5-7 năm/lần. Điển hình là trận mưa to bất thường vào cuối tháng 10.2008 đã gây ngập úng trên diện rộng, làm thiệt hại gần 55.000ha hoa màu vụ đông, gần 100.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.2018, ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn kéo dài cũng khiến nhiều xã của 2 huyện Chương Mỹ và Quốc Oai bị ngập sâu nhiều ngày gây thiệt hại không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân ở đây" - ông Định dẫn chứng.

Đề xuất và thực hiện nhiều giải pháp ứng phó

Thời gian qua, TP.Hà Nội đã nỗ lực thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH. Ngoài việc hoàn thiện các chính sách thông qua các văn bản pháp lý về biến đổi khí hậu, TP.Hà Nội đã thực hiện cải tạo, duy trì các hồ điều hòa, lắp đặt thêm các trạm quan trắc, tiến hành nạo vét và xử lý rác thải tại những dòng sông trong nội đô.

Được biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã và đang thực hiện xây dựng thêm 25 công viên và 25 hồ; xây dựng mới các khu tái định cư cho những hộ gia đình thuộc khu vực BĐKH và thiên tại; nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới một số công trình phòng chống thiên tai, cùng đó là những giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý. Từ năm 2016, toàn bộ các công trình công cộng của thành phố đều được sử dụng đèn led, phấn đấu giảm 2/3 lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng công cộng. Đồng thời khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng...

Chia sẻ tại hội thảo "Huy động các bên liên quan tham gia hành động về khí hậu tại địa phương" - bà Jiwon Lee – Ban Thư ký Thế giới Hội đồng quốc tế về các sáng kiến môi trường địa phương, cũng cho rằng: Seoul (Hàn Quốc) là đô thị đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công dự án của hội đồng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra 5 nhóm giải pháp ứng phó với BĐKH có thể áp dụng với Hà Nội là: Năng lượng và tái sử dụng tài nguyên; quy hoạch đô thị, giao thông, cấp thoát nước; Công tác quản lý chất lượng không khí; Sức khỏe cộng đồng, an toàn từ thảm họa khí hậu; Đô thị và nông nghiệp sinh thái.

Hải Đăng - Doãn Thành