Nhận thấy đa số người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, mua bán nhỏ, một số khu vực chưa có xe thu gom rác, vỏ chai nhựa đã qua sử dụng còn vứt bừa bãi ra môi trường, nguy cơ không đảm bảo vệ sinh môi trường, trong khi đó xã đang phấn đấu duy trì xã nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hội LHPN xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh đã triển khai xây dựng nhiều mô hình bảo vệ môi trường trong địa bàn xã.
Đầu tiên là mô hình “Đi xách giỏ về tới ngỏ”, hình thành năm 2018 và đây cũng được chọn làm mô hình điểm để nhân rộng ra các xã, phường trong TP.Cao Lãnh. Qua khảo sát tình hình thực tế trên địa bàn xã có 02 điểm chợ với hơn 40 hộ tiểu thương mua bán nhỏ lẻ, hàng ngày sử dụng khoảng từ 5-6kg túi nilon lớn nhỏ các loại thải ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số chị em khi đi chợ hoặc đi mua sắm, đa phần có thói quen là đi không xách giỏ, do bọc nylon tiện lợi.
Khi mới phát động hội viên phụ nữ thực hiện mô hình “Đi xách giỏ về tới ngỏ” thì số lượng chị tham gia còn thấp, khoảng hơn 450 chị thực hiện, Hội chỉ đạo các chi, tổ hội tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đến nay số lượng người đi chợ xách giỏ ngày càng đông, có hơn 2.000 chị thực hiện.
Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình “Đi xách giỏ về tới ngỏ”, vào đầu năm 2020, Hội LHPN xã thành lập mới mô hình “Túi giấy thân thiện với môi trường”. Theo đó Hội vận động cán bộ, hội viên thu gom tất cả giấy bìa, giấy lịch cũ, giấy báo để xếp thành những chiếc túi giấy có kích thước lớn nhỏ nhiều loại phát tặng cho các hộ tiểu thương và người dân nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhân dịp Ngày môi trường thế giới 5/6 hàng năm và các buổi tuyên truyền chống rác thải nhựa do Hội cấp trên tổ chức phát động, chị em hội viên phụ nữ được biết về thực trạng môi trường, tác hại nặng nề của túi nilon gây ra và hướng dẫn sử dụng các vật dụng thay thế như túi giấy, túi vải, lá, dây,…, đồng thời Hội hỗ trợ phát tặng 500 giỏ xách nhựa, 1.500 túi vải, 2.000 túi giấy và 1.000 tờ bướm bảo vệ môi trường cho người dân rộng rãi trên 4 ấp, đặc biệt các tiệm tạp hóa, tiệm thuốc tây, tiệm bán đồ khô,...
Tháng 01/2021, Hội ra mắt “Tổ phụ nữ tiểu thương nói không với túi nilon” với 21 thành viên tại điểm chợ ấp Đông Thạnh, nhân buổi ra mắt Hội phát tặng 30kg túi tự hủy sinh học, 100 túi vải, 150 túi giấy, 150 tờ bướm cho các hộ tiểu thương và người dân trong chợ, Hội đã xây dựng được 05 thành viên nòng cốt trong tổ làm nhân tố cùng Hội tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương thay túi nilon chuyển sang túi tự hủy sinh học để sử dụng và bán cho khách nhận được sự đồng tình của tiểu thương chợ Tân Thậun Đông. Chị Hồ Ngọc Dòn, tiểu thương chợ Tân Thuận Đông cho biết: Hội LHPN xã phát động mô hình để thực hiện tiệu chí số 17 về môi trường, Hội có phát động làm túi giấy thân thiện với môi trường, tui rất tâm đắc tui xếp để dựng hàng hoá cho khách từ những loại giấy có sẵn ở nhà thấy lịch sự, nhìn không thấy món hàng ở trong, khách rất hoan nghênh.
Trên nền tảng hiệu quả mô hình “Tổ Phụ nữ tiểu thương nói không với túi nilon”, đầu năm 2021 Hội vận động thành lập mô hình “Đổi rác thải nhựa nhận quà yêu thương”. Ban đầu thực hiện trên địa bàn ấp Đông Thạnh, địa điểm đổi quà tại Ban nhân dân ấp, mỗi tháng sinh hoạt 01 lần. Đến năm 2022, trong các đợt sinh hoạt Hội lồng ghép tổ chổ chức Phiên chợ xanh “Rác đi – Qùa về”, qua hơn 10 đợt phát động đổi rác lấy quà, có hơn 250 lượt hội viên phụ nữ tham gia đem rác thải nhựa lại đổi, qua đó thu gom được hơn 400kg vỏ chai lon nhựa, hơn 200kg giấy vụn, đồng thời Hội chuẩn bị hơn 200 phần quà gồm gạo, khẩu trang, nước rửa tay bột giặt, kem đánh răng, bộ ly, chén,v.v. quà gửi tặng các chị tương đương với giá trị lượng rác đem đổi. Tiền thu từ việc bán phế liệu trích một phần để mua các phần quà duy trì hoạt động của mô hình, phần còn lại gửi tặng hội viên phụ nữ nghèo, người già neo đơn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chị Đặng Thị Kiều Hương - Hội viên phụ nữ ấp Đông Thạnh, xã Tân Thuận Đông hưởng ứng mô hình này cho biết: Hàng tháng cứ mỗi thứ sáu tui thu gom rác thải nhựa như chai mủ, lon bia rồi đem lại đổi đặng lấy quà: khẩu trang, xà bông, kem đánh răng, rồi nước rửa tay này kia. Tui cũng tuyên truyền chị em là cứ thứ sáu hàng tháng vận động mấy chỉ lại đổi lấy quà yêu thương. Tuy quà không có nhiều nhưng mà có ý nghĩa, trong lòng thấy rất vui, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.
Thấy hiệu quả, tháng 08/2022, Hội LHPN xã Tân Thuận Đông nhân rộng mô hình sang ấp Đông Định có hơn 20 hội viên phụ nữ tham gia hoạt động, hội viên mang trên 100kg rác thải vỏ chai lon nhựa, giấy vụn đến điểm đổi lấy quà. Qua tuyên truyền vận động hội viên tham gia bảo vệ môi trường, đến nay toàn xã có hơn 2.600 hộ hình thành được thói quen phân loại rác thải tại nguồn, để rác đúng nơi quy định.
Chị Huỳnh Thị Liên - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông, TP.Cao Lãnh nói: “Về hình thức tuyên truyền thì Hội LHPN xã lồng ghép trong các đợt sinh hoạt chi, tổ hội, miệng truyền miệng nhau để thực hiện. Hội cũng tuyên truyền trên trang Fanpage của hội, rồi zalo của tổ, nhóm, trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của xã, người dân nắm và biết nhiều hơn. Nhận thấy mô hình ngày càng đông các chị em phụ nữ tham gia, ý nghĩa của mô hình ngày càng được lan tỏa rộng trong khắp người dân hưởng ứng thực hiện không chỉ riêng hội viên phụ nữ đem rác lại đổi, có khi có mấy chú, các em học sinh đem lại đổi tập, sách này kia. Trong thời gian tới thì hội tiếp tục nhân rộng mô hình đổi rác thải nhựa nhận quà yêu thương này các ấp còn lại, không chỉ riêng hội viên phụ nữ mà người dân nắm đồng tình hưởng ứng thực hiện.
Các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn mới của Hội LHPN xã Tân Thuận Đông đã đem lại hiệu quả tích cực, gắn với việc đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, (trong đó có sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp), góp phần nâng cao ý thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ về trách nhiệm của hội viên phụ nữ và các tầng lớp nhân dân, huy động sự chung tay giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho mọi người, tiến tới đạt các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, trong đó có tiêu chí môi trường.