Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường

Xây dựng nông thôn thân thiện với môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống của người nông dân. Trong 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có nói đến 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; Các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.



Trong 5 năm của giai đoạn I (2012-2017), Chương trình đã đạt được rất nhiều thành công trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn hiệu quả cho đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời thông qua các mô hình ruộng lúa bờ hoa để tạo ra cảnh quan tươi đẹp ở nông thôn.

Giai đoạn II (2017 - 2021), từ vụ Đông Xuân 2017 - 2018, bước đầu vận động các công ty kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV lên con số 18 đơn vị đồng hành cùng Chương trình. Đến Đông Xuân năm 2018 - 2019, Chương trình đã mở rộng với sự tham gia của hơn 50 công ty, nhà máy kinh doanh và sản xuất thuốc BVTV trên lãnh thổ Việt Nam bên cạnh sự đồng hành của Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) càng cho thấy Chương trình đã thực sự trở thành một thương hiệu lan tỏa việc bảo vệ hệ sinh thái, hướng đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.

Những năm gần đây, do thâm canh tăng vụ, tăng diện tích, do thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp hơn. Vì vậy số lượng và chủng loại thuốc BVTV sử dụng cũng tăng lên. Nếu như trước năm 1985 khối lượng thuốc BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 đến 9.000 tấn thành phẩm quy đổi và lượng thuốc sử dụng bình quân khoảng 0,3 kg  hoạt chất /ha thì thời gian từ năm 1991 đến nay lượng thuốc sử dụng biến động từ 25- 38 ngàn tấn. Đặc biệt năm 2006 lượng thuốc BVTV nhập khẩu là 71.345 tấn. Cơ cấu thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cũng có biến động: thuốc trừ sâu giảm trong khi thuốc trừ cỏ, trừ bệnh gia tăng cả về số lượng lẫn chủng loại.

 Trước thực trạng trên, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã tăng cường triển khai nhiều hoạt động BVMT trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn nhằm kiểm soát và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Bộ tập trung xây dựng các văn bản phục vụ công tác quản lý môi trường của ngành về lĩnh vực quan trắc môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, chương trình hành động thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và một số văn bản khác như: Thông tư số 55/2013/TT-BNNPTNT quản lý nhiệm vụ BVMT thay thế Thông tư số 76/TT-BNNPTNT; Thông tư Hướng dẫn quản lý công tác quan trắc môi trường nông nghiệp, nông thôn… Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức thẩm định 12 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 4 báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; Tổ chức quan trắc môi trường thường xuyên phục vụ trạm quan trắc quốc gia và quan trắc môi trường ngành; Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thẩm định và phê duyệt phương án thu mẫu nguồn gen sơn dương của Vườn quốc gia Cát Bà.

     Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ tiếp tục phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan kiểm tra hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo kế hoạch và xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg thuộc lĩnh vực của ngành quản lý. Cụ thể, đối với 24 cơ sở phải thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường triệt để do Bộ NN&PTNT quản lý trực tiếp, có 20 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, chiếm 83,33% (trong đó có 15 kho thuốc BVTV; 5 cơ sở sản xuất kinh doanh); 4 cơ sở đang thực hiện các yêu cầu của Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

Vì môi trường, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền địa phương, rất cần ý thức tự giác của chính bà con nông dân trong việc: thu gom rác thải; tránh để rác bừa bãi hoặc ô nhiễm quanh khu vực gia đình cư trú; không thả rông chó mèo; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, ngưng trước khi thu hái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, vỏ lọ, bao gói thuốc cần được thu gom tập kết vào một nơi quy định… 

Thu gom, xử lý rác thải là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Tại một số địa phương, chính quyền đang phát động người dân xây các bể xử lý rác quy mô hộ gia đình với chi phí thấp. Đây là cách làm mới, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao, người dân cần được hướng dẫn cụ thể để việc xử lý rác trong các bể chứa ít gây hại tới môi trường. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần được nhắc nhở, ký cam kết bảo vệ môi trường... Môi trường là yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người dân và bộ mặt nông thôn. Do vậy cấp uỷ và chính quyền cơ sở cần vào cuộc, chỉ đạo sát sao để các tầng lớp nhân dân thấy rõ được trách nhiệm của mình trong bảo vệ môi trường nói riêng và công cuộc xây dựng nông thôn mới nói chung./.

TTHTQT