Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ô nhiễm môi trường từ nuôi trồng thủy sản

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra nghiêm trọng trong nuôi trồng thủy sản tại Bạc Liêu, do phần lớn các chất hữu cơ dư thừa từ thức ăn, phân và các rác thải khác đọng lại dưới đáy ao nuôi.



Trước tình hình môi trường nước ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và ngành môi trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xả thải trái phép ra môi trường; đồng thời, khuyến khích người nuôi tôm áp dụng quy trình nuôi công nghệ cao khép kín, tiết kiệm nước, tái sử dụng nguồn nước...

Theo các nhà khoa học, nước thải nuôi tôm siêu thâm canh thường có hàm lượng các chất hữu cơ cao (thông qua đo chỉ số BOD5 và COD), các chất dinh dưỡng (phốt-pho, ni-tơ), chất rắn lơ lửng, amoniac, coliforms (vi khuẩn)… Riêng bùn thải trong quá trình nuôi tôm còn chứa các nguồn thức ăn dư thừa bị phân hủy, phân tôm, các hóa chất và thuốc kháng sinh, các loại khoáng chất diatomit, dolotime, lưu huỳnh lắng đọng gặp điều kiện yếm khí sẽ tạo thành các sản phẩm phân hủy độc hại như: Khí H2S, NH3, NO2, CH4… nguồn nước ô nhiễm, thời tiết bất lợi, con giống nhiễm bệnh là nguyên nhân dẫn đến diện tích tôm nuôi thiệt hại đang có chiều hướng tăng ở tỉnh này. Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay trên địa bàn có hơn 8.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh hơn 4.700 ha.

Riêng xử lý nước thải, hệ thống cấp nước, thoát nước thải phải luôn thông thoáng, được sên vét, cải tạo thường xuyên, đảm bảo không bị bồi lắng, tồn đọng gây tác động xấu đến môi trường và hoạt động sản xuất, canh tác của khu vực. Nước thải phải được thu gom và xử lý bằng biện pháp công nghệ hợp lý, không để rò rỉ, phát tán vi sinh vật, mầm bệnh gây ô nhiễm môi trường. Hệ thống xử lý nước thải phải được vận hành thường xuyên; đối với lượng bùn thải và xác vật nuôi phải được thu gom xử lý triệt để theo quy định của pháp luật vê chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại, đảm bảo không để phát tán mầm bệnh, vi sinh vật làm ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất, canh tác trong khu vực.

Đề góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh, không những đòi hỏi từ phía cơ quan chức năng, mà các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường thực hiện tốt các quy định trên. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản cho nhân viên, người lao động tại cơ sở, đơn vị mình; vận động cộng đồng xã hội tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Khai thác, sử dụng hợp lý và quản lý tốt chất lượng môi trường nước trong khu vực. Đồng thời, chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung, giải pháp bảo vệ môi trường đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận. Khi có nhu cầu thay đổi về vị trí, quy mô, công suất hoạt động của cơ sở nuôi trồng thủy sản hoặc những nội dung khác so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận, chủ cơ sở phải có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đã thẩm định, xác nhận trước đó, và chỉ được triển khai thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền…

TTHTQT