Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Một số giải pháp thực hiện tiêu chí số 17 trong xây dựng nông thôn mới

Theo nhóm PGS.TS Vũ Thị Thanh Hương, ThS. Nguyễn Quang Vinh và ThS. Vũ Quốc Chinh của Viện Nước Tưới tiêu và Môi trường, tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là một trong các tiêu chí khó thực hiện nhất, tỷ lệ đạt thấp nhất trong xây dựng NTM.


Tiêu chí số 17 về môi trường được đánh giá là một trong các tiêu chí khó thực hiện nhất và tỷ lệ đạt thấp nhất trong xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, mới chỉ có 42% số xã xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt tiêu chí môi trường. Thậm chí, ngay cả những xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM vẫn còn nhiều chỉ tiêu về môi trường chưa hoàn thành.

Trước thực trạng đó, Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường đề xuất một số giải pháp để thực hiện tiêu chí số 17 giai đoạn 2016-2020 như sau: Để thực hiện nội dung tiêu chí số 17.1 cần ưu tiên sửa chữa và nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước tập trung đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc kém hiệu quả.

Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân lắp đặt thiết bị xử lý nước quy mô hộ gia đình tại các vùng không có điều kiện xây dựng công trình cấp nước tập trung. Bổ sung cơ chế hỗ trợ kinh phí cho cấp xã trong việc thực hiện lấy mẫu, phân tích lượng nước theo QCVN. Bổ sung quy định năng lực, điều kiện của tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tiếp tục hỗ trợ các địa phương chuyển đổi từ mô hình quản lý không hiệu quả sang mô hình quản lý hiệu quả.

Giải pháp thực hiện nội dung 17.2: cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với từng loại chất thải phù hợp với đặc thù của 5 nhóm làng nghề, không áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước thải công nghiệp cho nước thải làng nghề do sự khác biệt về quy mô, công nghệ, cơ sở hạ tầng.

Hỗ trợ cho cấp xã kinh phí kiểm tra, giám sát, phân tích mẫu đánh giá chất lượng các nguồn xả thải khi công nhận xã đạt chuẩn tiêu chí môi trường. Xây dựng yêu cầu vệ sinh môi trường và chỉ tiêu đánh giá đối với từng loại cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề. Xây dựng các mô hình mẫu về xử lý chất thải trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề. Tăng cường công tác thanh kiểm tra và thực hiện các biện pháp chế tài xử phạt đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Đối với nội dung 17.3, nhóm chuyên gia đề xuất giải pháp cần xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu; hỗ trợ các tổ chức đoàn thể trong triển khai các mô hình cải thiện môi trường trong khu dân cư nông thôn. Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng các sáng kiến xanh, sạch đẹp trong khu dân cư nông thôn; giới thiệu các mẫu đường làng, ngõ xóm xanh, sạch đẹp…

Giải pháp thực hiện nội dung 17.4: Mỗi địa phương cần có biện pháp giám sát việc thực hiện quy chế quản lý nghĩa trang và các hình thức mai tang phù hợp với điều kiện của các vùng, miền. Hỗ trợ các hoạt động truyền thông, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong mai tang đối với đồng bào dân tộc ít người, vùng còn những tập quán mai tang lạc hậu; xây dựng các nghĩa trang kiểu mẫu để phổ biến áp dụng.

Liên quan đến việc thu gom, xử lý rác thải rắn nông thôn, giải pháp đề xuất cần bổ sung quy định hỗ trợ cho các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn; tăng mức thu phí vệ sinh môi trường trên cơ sở tính toán chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn và trách nhiệm thực hiện các bên liên quan. Xây dựng đơn giá dịch vụ công ích đối với thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật trong thiết kế và đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải quy mô cấp xã. Khuyến khích phát triển công nghệ xử lý chất thải tại hộ gia đình, phân loại, tái sử dụng chất thải tại nguồn để giảm thiểu chi phí vận chuyển và xử lý tập trung….

Liên quan đến thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt: Cần xây dựng định mức, tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình thoát nước, xử lý nước thải nông thôn; quy định tỷ lệ nước thải được thu gom phù hợp với từng vùng miền; quy định yêu cầu vệ sinh môi trường trong việc tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu; xây dựng mô hình mẫu về xử lý nước thải tại hộ gia đình và cụm dân cư tập trung cũng như các chính sách phát triển mô hình.

Giải pháp để thực hiện nội dung 17.7, ngoài chính sách hỗ trợ xây bể biogas, cần bổ sung chính sách hỗ trợ đối với các công trình xử lý chất thải chăn nuôi khác như: máy ép phân, sử dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý chất thải sau biogas… bổ sung quy định về chuồng trại hợp vệ sinh tronhg chỉ tiêu đánh giá tiêu chí 17.7…

Cuối cùng, liên quan đến thực hiện nội dung 17.8, nhóm chuyên gia đề xuất thống kê các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; quản lý đối với các cơ sở thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận gồm: cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, kiểm tra sau cấp giấy chứng nhận. Quản lý đối với các sơ sở không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận. Tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm đối với người trực tiếp sản xuất kinh doanh, hướng dẫn các phương pháp bảo quản thực phẩm….