Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn hỗ trợ Đà Nẵng giảm thiểu chất thải rắn



(TN&MT) - Ngày 11/11, Lễ Ra Mắt Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Đà Nẵng và chương trình Biệt Đội Xanh được tổ chức tại Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) với sự tham gia và ủng hộ từ các đơn vị chính quyền địa phương cùng các bạn trẻ đầy nhiệt huyết quan tâm đến môi trường xanh và giá trị bền vững. Chương trình do DNES phối hợp với UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) thực hiện.

 

Trong Lễ Ra Mắt đã có buổi thảo luận bàn tròn đi sâu vào bối cảnh Kinh tế tuần hoàn trên thế giới và tại Việt Nam với nhiều tiếng nói và góc nhìn từ đại diện cơ quan chuyên môn về môi trường tại Đà Nẵng, chuyên viên môi trường từ phía UNDP, và doanh nghiệp hoạt động vì môi trường tại địa phương cũng như các dự án tạo tác động xã hội trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại Lễ Ra Mắt TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cho biết, Năm 2016, lượng chất thải rắn đô thị của Việt Nam là 11,6 triệu tấn (trung bình 0.33kg/người/ngày), con số này được đự đoán sẽ tăng lên gấp đôi, ở mức khoảng 22 triệu tấn vào năm 2050. Mặc dù chỉ đứng thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 về dân số nhưng lượng rác thải nhựa ra biển của Việt Nam hiện xếp thứ 4 thế giới, với hơn 1,83 triệu tấn/năm.

Lễ Ra Mắt Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Đà Nẵng và chương trình Biệt Đội Xanh

“Những vấn đề trên đã và đang gây ra những áp lực rất lớn đối với nền kinh tế, đặt ra yêu cầu cần phải thay đổi mô hình phát triển. Do đó, kinh tế tuần hoàn (circular economy) được coi là cách tốt nhất để phá vỡ sự ràng buộc lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Cụ thể hơn, kinh tế tuần hoàn (KTTH) giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong khi giảm khai thác tài nguyên và giảm chất thải ra môi trường”, ông Khương nhận định.

Từ năm 2019, Accelerator Lab (AccLab) Việt Nam, trực thuộc mạng lưới 90 AccLab toàn cầu của UNDP mang tinh thần thử nghiệm sáng tạo xã hội. Tại Đà Nẵng nhóm đã có một số hoạt động tiêu biêu về môi trường như: Thí nghiệm xây dựng mô hình phân loại rác thân thiện tại khu chung cư Cẩm Lệ; Nghiên cứu về hệ sinh thái thu gom rác phi chính thống và tác động của COVID với nhóm ve chai. Trong quá trình thực hiện cho thấy, vấn đề môi trường và rác thải là điều có tính phức tạp cao với nhiều chủ thể liên quan cùng với các yếu tố cơ sở hạ tầng, văn hóa, thói quen lâu nay khó thay đổi.

Thảo luận bàn tròn về bối cảnh Kinh tế tuần hoàn trên thế giới và tại Việt Nam

Chính vì thế, AccLab Việt Nam đã phối hợp với DNES xây dựng Mạng lưới Kinh tế Tuần hoàn Đà Nẵng (DCEH) để phát triển những chương trình bài bản chặt chẽ mang tính bền vững, nhằm lan toả nhận thức và tạo tác động lớn hơn trong cộng đồng tại khu vực miền Trung. DCEH sẽ tập trung vào việc hỗ trợ các nhân tài có dự án sáng tạo vì môi trường, nhằm thúc đẩy cải thiện hệ thống xử lý rác thải rắn tại Đà Nẵng và các tỉnh Miền Trung; thúc đẩy tiêu dùng bền vững/ tiêu dùng xanh trong cộng đồng tại khu vực Miền Trung.

Bà Sitara Syed, Phó Đại điện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ “Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng sẽ tập trung vào con người và xây đựng nguồn lực cho sự phát triển bền vững và thực hành kinh tế tuần hoàn tại khu vực Miền Trung, cũng như giúp phát triển hệ thống quản lý chất thải rắn hiện tại và tuyên truyền cho tiêu dùng xanh. Từ đó, chúng ta sẽ thấy được những lợi ích tốt đẹp cho môi trường và cộng đồng của hệ thống này mang lại trong tương lai”.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Đà Nẵng) cho biết, hiện nay tổng lượng rác thải sinh hoạt trên toàn TP Đà Nẵng khoảng 1.200 tấn/ngày và chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn. Đà Nẵng có diện tích rất nhỏ, việc chôn lấp rất khó khăn nên thành phố rất mong muốn làm sao để giảm thải chất thải rắn. Theo điều tra của Sở TNMT thì trong rác thải sinh hoạt hàng ngày có 18% là rác có thể tái chế. Tuy nhiên, thành phố đang gặp vấn đề về vòng thu gom, tái chế. Ví dụ như rác thải nhựa phải đưa về đâu, thu gom như thể nào, ai sẽ tái chế, hạn chế sử dụng rác thải nhựa như thế nào…Thông qua Mạng lưới kinh tế tuần hoàn này sẽ có những sáng kiến giúp cho Đà Nẵng giải quyết những vấn đề đó.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT Đà Nẵng) cho biết, hiện nay tổng lượng rác thải sinh hoạt trên toàn TP Đà Nẵng khoảng 1.200 tấn/ngày và chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp

Ngay sau khi Lễ Ra Mắt kết thúc, Mạng lưới ngay lập tức được “kích hoạt” bằng Chương trình Biệt Đội Xanh cùng Khoá tập huấn (Bootcamp) nhằm tuyển chọn những “sứ giả” môi trường gia nhập Green Avenger (Biệt Đội Xanh). Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ dự án Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Đà Nẵng. Qua sự kiện này, những thành viên từ các tổ chức vì môi trường hoặc đang ấp ủ những ý tưởng, dự án tạo tác động xã hội có thể kết nối và chia sẻ trách nhiệm xã hội cùng nhau. Ngoài ra, còn có các buổi đào tạo nhằm tư vấn chuyên môn, trang bị năng lực lãnh đạo, hỗ trợ thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ kinh phí để các bạn cùng nhau khởi tạo các ý tưởng và hiện thực hóa ý tưởng.

Chương trình Biệt Đội Xanh gồm 4 giai đoạn: xét tuyển, tập huấn Bootcamp, thử nghiệm, lan tỏa. Hiện chương trình đang ở gia đoạn 2 (tập huấn Bootcamp) với 35 thành viên được chọn lựa từ 100 thành viên đăng ký trên khắp cả nước. Giai đoạn 2 sẽ diễn ra từ ngày 11 – 15/11 với các hoạt động: đi sâu tìm hiểu các kiến thức về kinh tế tuần hoàn, quản lý rác thải, tư duy hệ thông: trải nghiệm thực tế; đề xuất và phát triển ý tưởng.

Giai đoạn 3 các nhóm dự án hình thành trong Bootcamp sẽ có thời gian 1 tháng để thử nghiệm ý tưởng mới, lấy phản hồi và học hỏi từ thực tế. Sau đó các nhóm dự án sẽ gửi hồ sơ đề xuất đến Ban Cố Vấn và chỉ các dự án được đánh giá khả thi mới đi tiếp giai đoạn 4.

Ở giai đoạn 4 những dự án sẽ có thời gian thực hiện đến giữa năm 2021 để lan tỏa tác động tới cộng đồng. Trong giai đoạn này, ngoài nhận được nguồn tài trợ mồi, các bạn cũng sẽ nhận được sự cố vấn (mentoring), hỗ trợ mạng lưới và các hoạt động đào tạo (training) khác. Đây sẽ là nền tảng trong việc hình thành một mạng lưới cộng đồng cho các dự án sáng tạo vì môi trường bền vững tại các tỉnh thành miền Trung.