Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Theo Ban điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM), Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, là một trong 26 tỉnh trong toàn quốc không có nợ đọng NTM, quá trình xây dựng NTM của tỉnh đã giúp đời sống nhân dân có nhiều đổi thay về cả diện mạo lẫn chất lượng.


Đường giao thông nông thôn ở xã Quảng Trị (huyện Đạ Tẻh) được “bê tông hóa”(Ảnh: tintaynguyen.com)

Sau hơn 8 năm thực hiện xây dựng NTM, số xã về đích tăng lên nhưng các yêu cầu về quy định trong Bộ tiêu chí NTM cũng được nâng lên theo từng giai đoạn nhằm theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội. Vì vậy, con đường về đích NTM càng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn của các địa phương. Mặt khác, một số địa phương, tuy đã về đích NTM nhưng một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng lại chưa thực sự được hoàn thiện để có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

     Xã Hòa Ninh, huyện Di Linh dù đã đạt xã NTM, nhưng các con đường liên thôn, liên xã vẫn là đường đất đá. Theo ông Trần Hải Đảo, thôn 10 xã Hòa Ninh, huyện Di Linh: Đường đi lại khó khăn nên người dân đã tự đổ đá, cải tạo đi tạm. Người dân đã kiến nghị nhiều lần để được đầu tư nâng cấp tuyến đường này nhiều lần mà chưa được.

     Tình trạng giao thông kém chất lượng cũng xảy ra tại huyện NTM Đơn Dương - một trong 4 huyện trong toàn quốc được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện đề án mô hình thí điểm huyện NTM kiểu mẫu của cả nước. Quốc lộ 27 đoạn đi qua huyện Đơn Dương xuống cấp trầm trọng do quá trình xây dựng lâu năm cộng với  số lượng người và phương tiện lưu thông ngày càng tăng cao.

 

Bên cạnh trình trạng nhiều tuyến đường giao thông xuống cấp, huyện Đơn Dương cũng mới chỉ có 25% trường Trung học Phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tiêu chí về thủy lợi cũng gặp khó khăn với 78% đất sản xuất chưa được sử dụng nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi. 30% hệ thống kênh mương chưa được kiên cố hóa. Việc xử lý rác thải chưa thực sự đạt hiệu quả nhằm đảm bảo tiêu chí về vệ sinh môi trường nông thôn. Điều này đòi hỏi địa phương có nhiều nỗ lực cũng như sự quan tâm từ các cấp, các ngành để Đơn Dương hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2018 - 2025.

     Tỉnh Lâm Đồng đang phấn đấu, đến hết năm 2018 có 87/116 xã và hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng đạt chuẩn NTM. Đến năm 2020, tỉnh phấn đấu có ít nhất 110 xã  (chiếm 94% tổng số xã) và từ 6 huyện trở lên đạt chuẩn NTM. Đồng thời, tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn với các chỉ tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 170 triệu đồng/ha/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 73 triệu đồng...

     Đến nay, Lâm Đồng có 77/116 xã đạt chuẩn NTM và huyện Đơn Dương đạt chuẩn NTM, chiếm 66,38% số xã. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh huy động được hơn 57.000 tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn gần 7 tỷ đồng, đạt gần 12%; vốn tín dụng hơn 36 tỷ đồng, đạt gần 60%; tổ chức, doanh nghiệp đóng góp gần 5 ngàn tỷ đồng, đạt gần 10%; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư gần 10.000 tỷ 

Hồng Nhung (Tạp chí Môi trường)