Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả mô hình thu gom TBVTV

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó đã xây dựng thành công mô hình bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các xứ đồng, góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch.



Từ khi xuất hiện những bể thu gom, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, túi ni-lon vứt không đúng chỗ đã giảm hẳn, ý thức bảo vệ môi trường đặc biệt là cách tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng của người dân trong xã ngày càng cao và có trách nhiệm hơn. Cảnh quan môi trường ở các tỉnh từ đó cũng xanh – sạch – đẹp.

Bao bì thuốc BVTV được liệt vào nhóm chất thải nguy hại, ảnh hưởng tới môi trường, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người. Thậm chí, nếu đốt chung với rác thải thông thường sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, đây lại đang là tình trạng phổ biến của nhiều địa phương ở các tỉnh. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe người dân. Chính vì vậy, chúng tôi mong các ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về tác hại của việc vứt bỏ tràn lan các vỏ thuốc BVTV sau sử dụng; đồng thời thông tin nhanh chóng, kịp thời, dễ hiểu các quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng để người dân dễ tiếp thu và thực hiện. Theo đó, nên có những buổi tập huấn cụ thể theo kiểu “cầm tay chỉ việc” về tận các thôn, bản, tuyên truyền theo cách thức “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao ý thức của nông dân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ quá trình thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn để tránh thực hiện nửa vời, không đem lại hiệu quả như mong muốn; có biện pháp xử lý những cá nhân, đơn vị lơ là, thiếu ý thức trong thực hiện nhiệm vụ này.

Điển hình như tại xã Trung An, huyện Cờ Đỏ, năm 2019, Hội Nông dân xã đã chỉ đạo xây dựng mô hình “Hố chứa vỏ chai, bao bì thuốc BVTV” tại ấp Thạnh Lộc 2, gồm có 7 hố với 30 hộ tham gia. Hố xây dựng bằng bê tông, quy cách hố xây dựng ngang 1m, cao 1m, với số tiền 7 triệu đồng, vận động hội viên nông dân đóng góp. Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, cho biết: “Sau thời gian thực hiện mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hội viên nông dân trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các loại phân thuốc BVTV trong sản xuất. Rác thải như vỏ chai, bao bì và các loại rác khác được các thành viên tham gia mô hình bỏ đúng nơi quy định, đảm bảo môi trường xung quanh và sức khỏe mọi người. Thời gian tới, xã sẽ triển khai, nhân rộng mô hình này ra các ấp còn lại trên đia bàn”. Anh Trần Văn Nguyên, nông dân ở xã Trung An, cho biết: “Trước đây, thường tôi vứt luôn vỏ bao thuốc sau khi sử dụng ở ruộng hay nơi lấy nước. Nhưng từ khi có hố chứa, tôi đều bỏ vào hố. Giờ đồng ruộng không còn thấy vỏ chai, lọ, bao thuốc BVTV vứt lung tung như trước nữa, sạch sẽ và an toàn hơn rất nhiều. Tôi đi làm đồng cũng cảm thấy yên tâm hơn vì không lo giẫm phải chai, lọ như trước”.

   Có hố chứa, thùng chứa vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV, nên sau khi sử dụng xong bà con đã tự giác thu gom vào thùng, hố chứa. Người nào vi phạm bỏ bừa bãi ngoài đồng sẽ được mọi người nhắc nhở. Từ đó, ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên rất nhiều. Hiện nay, mô hình thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV tại huyện Cờ Đỏ bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường…

TTHTQT