Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chất lượng môi trường nông thôn mới

Bộ mặt nông thôn đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt cảnh quan môi trường được cải tạo xanh, sạch, đẹp, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường; gắn kết giữa văn hoá với du lịch; giữa bảo tồn và phát triển. Các hộ dân đã tích cực cải tạo, nâng cấp đường làng, ngõ xóm, cải tạo vườn, hàng rào, trồng cây xanh nơi công cộng, không còn hiện tượng vứt rác thải bừa bãi.



Nhận thức của người dân địa phương về bảo vệ môi trường (BVMT) ngày càng nâng cao. Tại nhiều nơi, ý thức về môi trường của người dân đã có những bước chuyển biến đáng kể. Người dân đã không coi việc vệ sinh, cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ, việc trồng cây, trồng hoa, cải tạo cảnh quan môi trường... là việc “phải làm”, mà tại nhiều nơi, người dân đã coi đây là việc “cần làm” với sự tự nguyện và tinh thần trách nhiệm cao (điển hình tại các địa phương như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Quảng Trị...).

Nhiều địa phương cũng đã huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác BVMT, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng; chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về BVMT.

Kết quả đó được thể hiện qua tỷ lệ các xã đạt chuẩn NTM, trong đó cả nước có 5.443 xã đạt tiêu chí môi trường, đạt 61,1%, tăng 3,9% so với cuối năm 2018, cụ thể:

- Vùng Trung du miền núi phía Bắc: có 786/2280 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm, đạt 34,5% (tăng 31,5% so với năm 2011 và tăng 20,0% so với năm 2015);

- Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ: có 2.744/3.474 xã đạt tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm, đạt 79,0% (tăng 69,7% so với năm 2010 và tăng 20,8% so với năm 2015), trong đó Bắc Trung Bộ đạt 68,7%, Đồng bằng sông Hồng đạt 87,6%.

- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Có 502/825 xã đã hoàn thành, đạt 60,8% (tăng 55,7% so với năm 2010 và tăng 17,7% so với năm 2015), thấp hơn so với mức hoàn thành của cả nước (64%).

- Vùng Tây Nguyên: Có 317/599 xã đã hoàn thành, đạt 52,9% (tăng 48,5% so với năm 2010 và tăng 13,6% so với năm 2015), thấp hơn so với mức hoàn thành của cả nước (64%).

- Vùng Đông Nam Bộ: Có 363/445 xã đã hoàn thành, đạt 81,6% (tăng 65,4% so với năm 2010 và tăng 9,6% so với năm 2015), cao rất nhiều hơn so với mức hoàn thành của cả nước (64%).

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Có 790/1286 xã đã hoàn thành, đạt 61,4% (tăng 57,2% so với năm 2010 và tăng 21% so với năm 2015), thấp hơn so với mức hoàn thành của cả nước (64%).

CTR sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn trong cả nước ước khoảng 31.000 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom trung bình chỉ đạt 40 - 55%. Tại các thị trấn, thị tứ, và vùng ven đô tỷ lệ thu gom vận chuyển đạt khá cao (đạt khoảng 60 - 80%). Công tác thu gom, vận chuyển CTR khu vực nông thôn hiện nay được thực hiện theo 3 hình thức: Thu gom tập trung theo cấp huyện; thu gom tập trung theo cấp thôn, xã; người dân tự thu gom, xử lý hoặc mang ra khu vực nhất định để thải bỏ.

          Một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng đã tổ chức và thực hiện tốt công tác thu gom, vận chuyển CTR, nâng tỷ lệ chất thải được thu gom lên hơn 90% trên tổng lượng chất thải phát sinh. Hầu hết các xã, thôn đã được công nhận nông thôn mới đều đạt tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt rất cao (trên 80% ở cả xã và thôn). Từ giai đoạn 2011-2015, nhiều địa phương vùng ĐBSH đã tiên phong trong công tác quy hoạch, đầu tư và vận hành hệ thống thu gom và xử lý chất thải (điển hình tốt về công tác quy hoạch và định hướng xử lý chất thải tập trung là Quảng Ninh và Hà Nam); là khu vực đi đầu về tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt nông thôn (như Nam Định với tỷ lệ thu gom bình quân trên địa bàn các xã/huyện đạt 80-90%, có nhiều mô hình thu phí vệ sinh môi trường bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTR, không cần hỗ trợ của ngân sách nhà nước; mô hình xây dựng hệ thống xử lý chất thải sản xuất và sinh hoạt nông thôn.

Một số địa phương đã chỉ đạo các xã tập trung xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” để hình thành các khu dân cư nổi bật về cảnh quan đường làng, ngõ xóm “sáng, xanh, sạch, đẹp” để triển khai nhân rộng (như Đồng Nai, Hậu Giang, Trà Vinh, Hà Tĩnh, Nam Định, Hà Tĩnh…) với số huyện đã có tỷ lệ các tuyến đường nông thôn trồng cây xanh – hoa đạt trên 50% như Châu Thành A, thành phố Vị Thanh, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), huyện Thoại Sơn (An Giang), huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú (Đồng Nai); nhiều nơi có tuyến đê trồng cây, trồng hoa kiểm mẫu tạo nên cảnh quan môi trường nông thôn trong lành như huyện Thanh Liêm (Hà Nam), huyện Nam Trực, Mỹ Lộc (Nam Định), thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên).

TTHTQT