Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

Từ việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), ở nhiều xã vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện những làng, đường bích họa, dòng sông không rác, đường hoa, cây xanh… Đây là những mô hình tiêu biểu mà nhiều xã, ấp, bản đã triển khai giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân.



Sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đã có những chuyển biến tích cực: Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư và vận hành; cảnh quan khu vực nông thôn được cải tạo, nâng cấp; có nhiều mô hình tốt trong xây dựng môi trường nông thôn… Bên cạnh đó, công tác BVMT của các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở chăn nuôi, khu cụm công nghiệp và làng nghề được tăng cường kiểm tra, quản lý.

Nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn lực để xử lý môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn. Trong đó có 42 tỉnh, thành có kế hoạch xử lý rác thải tập trung; trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh...); có 16 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh. Tỷ lệ xã có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 44,1% năm 2011 lên 63,5% năm 2018; tỷ lệ thôn có thu gom rác thải sinh hoạt tăng từ 25,8% lên 47,3%.

Đối với chỉ tiêu 90% cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn đạt chuẩn về môi trường (10% còn lại tuy có vi phạm nhưng đang khắc phục), kết quả thẩm tra tại các địa phương chỉ mới đề cập đến số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ thủ tục về môi trường (cam kết BVMT, đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT…). Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều không có thông tin về tình hình xử lý chất thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT, đặc biệt là các cơ sở nhỏ, lẻ, quy mô hộ gia đình.
 
Về chỉ tiêu đường làng, ngõ xóm, cảnh quan xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường, nhiều địa phương thường xuyên tổ chức ngày Chủ nhật xanh, trồng cây, vệ sinh, gắn kết cộng đồng… Tuy nhiên, do đây là chỉ tiêu không được định tính, chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương không đồng đều.
 
Riêng về chỉ tiêu chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định, kết quả triển khai trên thực tế còn hạn chế. Đa số các địa phương ở chưa quan tâm đầu tư biện pháp, công trình về xử lý nước thải; chất thải cơ sở chăn nuôi chưa xử lý đạt Quy chuẩn theo quy định; tỷ lệ thu gom chất thải rắn tập trung tại nhiều địa phương còn thấp (dưới 50%). Một số địa phương áp dụng các biện pháp xử lý chưa hợp vệ sinh như chôn lấp không an toàn, đốt quy mô nhỏ, đốt lộ thiên (nhiều địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long). Trong đó, theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt đã quy định công suất lò đốt chất thải rắn sinh hoạt không nhỏ hơn 300 kg/h.
 Tiếp tục phát triển NTM bền vững, nâng cao chất lượng thực hiện đối với các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm với các xã, huyện NTM kiểu mẫu, trong đó tiêu chí môi trường là một trong những điểm mấu chốt để đánh giá chất lượng thực hiện. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất nội dung tiêu chí môi trường của xã, huyện NTM kiểu mẫu theo hướng có cả các chỉ tiêu “cứng” bắt buộc áp dụng (như về tỉ lệ chất thải được thu gom và xử lý, tỉ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh...), và chỉ tiêu “mềm” để các địa phương linh hoạt điều chỉnh (như về tỉ lệ nguồn lực xã hội hóa cho BVMT) với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT.

TTHTQT