Còn nhiều bất cập
Dù đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015, nhưng cho đến nay, xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) vẫn còn gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện và nâng cao tiêu chí môi trường.
Theo báo cáo của UBND xã Đăk Mar, để thực hiện tiêu chí môi trường, xã đã vận động nhân dân xây dựng các bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các thôn, làng; thành lập và duy trì hoạt động của Tổ thu gom - xử lý rác thải (trong đó có vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật); chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Vũ Văn Lực (thôn 1, xã Đăk Mar), tình trạng một số hộ gia đình tự xay xát cà phê và xây lò để sấy đang ngày càng phổ biến, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân xung quanh cũng như môi trường, bởi tiếng ồn và khói, bụi.
“Chúng tôi đề nghị chính quyền và ngành chức năng chủ động kiểm tra các hộ dân trên địa bàn xát cà phê, gây ô nhiễm môi trường; qua đó, hướng dẫn, yêu cầu các hộ dân cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường, đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm với mức độ nặng cần có chế tài xử lý nghiêm” - ông Lực đề nghị.
Bà Phạm Thị Tân (thôn 1) cho biết, việc xã Đăk Mar chưa xây dựng Nghĩa trang nhân dân đang là vấn đề khiến người dân lo ngại.
"Theo quy định, xã nông thôn mới phải có nơi mai táng phù hợp, nhưng xã Đăk Mar chưa xây dựng được nghĩa trang, vấn đề này đã được chúng tôi kiến nghị nhiều lần lên các cấp, các ngành"- bà Tân kể.
Từ thực tế trên cho thấy, tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện. Ngay cả xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cũng còn không ít bất cập, thì nói gì đến các xã đang phấn đấu để đạt chuẩn.
Trao đổi với chúng tôi, một chủ tịch xã cho rằng, không nên nghĩ môi trường là tiêu chí "mềm", dễ thực hiện, bởi không phải thực hiện bằng việc phân bổ kinh phí, mà chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức, ý thức của nhân dân...
Xã chúng tôi đang phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2019, đến nay, một số tiêu chí như quy hoạch, thủy lợi, điện, y tế, hệ thống chính trị... đã đạt chuẩn, với nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh. Hiện chúng tôi đang dồn sức thực hiện các chỉ tiêu về hạ tầng và thu nhập cho người dân, đồng thời bắt tay vào thực hiện tiêu chí môi trường, và đây lại là một trong số tiêu chí khó thực hiện nhất.
Theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum, chuồng trại chăn nuôi phải đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường sau: cách nhà ở và đường đi chung ít nhất 5m; có biện pháp che chắn phù hợp; được vệ sinh định kỳ bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh; không phát sinh mùi khó chịu gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh; có đủ hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường (đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh)...
Quy định là vậy, nhưng thực tế, đa số gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ theo tập quán thả rông, hoặc nếu có chuồng trại thì cũng sơ sài, không phải nhà nào cũng có điều kiện làm hầm biogas... Xã đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhưng xem ra đường đi còn nhiều gian nan - anh ta phân trần với tôi.
Không để cái khó bó được cái khôn
Theo ông Trần Văn Chương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, vì vậy, bên cạnh các tiêu chí về hạ tầng, thu nhập..., thì cần đặc biệt quan tâm đến cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống.
Hàng năm, các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường, như thu gom, xử lý rác thải, nước thải khu dân cư, hộ gia đình, vệ sinh đường làng, ngõ xóm...; kiểm tra việc thực hiện tiêu chí môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh... nhưng quá trình thực hiện tại các địa phương đều gặp khó khăn, vướng mắc - ông Chương nhận định.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chỉ chú trọng các tiêu chí "cứng", như cơ sở hạ tầng, mà đã đến lúc cần có định hướng chiến lược cụ thể trong thực hiện tiêu chí môi trường gắn với từng địa bàn. Trước tiên, cần có tổ chức tuyên truyền cho các cấp chính quyền, người dân, nâng cao nhận thức về môi trường, về các tiêu chí nông thôn mới.
Thực tế cho thấy, chỉ khi người dân nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường thì mới giải quyết được tình trạng "cái khó bó cái khôn" hiện nay- ông Hoàng Trung Thông - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei khẳng định.
Ông Hoàng Trung Thông xác nhận, huyện Đăk Glei đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường. Qua rà soát cho thấy, một số cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường; nhiều cơ sở chăn nuôi (quy mô hộ gia đình) không có kinh phí xây dựng hầm biogas, nên nước thải chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường; lượng nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình chưa được thu gom, xử lý; việc thu gom, xử lý rác thải ở nhiều xã còn nhiều khó khăn, bất cập...
Theo ông Hoàng Trung Thông, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và cộng đồng trong việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ gia đình nông thôn xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thực hiện tốt cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; tuyên truyền các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định về đảm bảo môi trường, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý cụ thể, phù hợp với thực tế. Ví dụ, ở huyện Đăk Glei, việc xử lý các hộ gia đình chăn nuôi heo không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường đang gặp khó khăn, bởi theo quy định chỉ có thể nhắc nhở, cảnh cáo, vì muốn phạt hành chính thì phải có thiết bị phân tích chất lượng nước thải, không khí... Như vậy là bất cập, không khả thi đối với cơ sở...