Thời gian qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động thông qua các chương trình phối hợp với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; vận động cán bộ, hội viên phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và đất đai.
Hàng năm có 10/10 huyện, thành Hội xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường ở các cơ sở, chi tổ hội, câu lạc bộ nông dân. Thực hiện tốt kế hoạch truyền thông "Tuần lễ Quốc gia nước sạch & vệ sinh môi trường”; truyền thông "Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn hàng năm theo từng chủ đề; Ngày môi trường thế giới 05/6; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5; Ngày Nước thế giới 22/3, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam...
Nhân các sự kiện về môi trường, các cấp Hội đã phát động cán bộ, hội viên nông dân phối hợp với các ngành viết tin bài tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng đất đai trên đài phát thanh các địa phương. Đã có 100% các cơ sở Hội phối hợp kẻ vẽ pa nô, áp phích khẩu hiệu tuyên truyền môi trường đối với sản xuất, đời sống sức khoẻ con người, tuyên truyền giới thiệu mô hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào bảo vệ môi trường nông thôn, cung cấp tờ rơi, sách báo tuyên truyền về công tác bảo vệ tài nguyên môi trường…
Phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường tổ chức chọn đơn vị Hội Nông dân ở các huyện: Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Xuân Trường... để triển khai xây dựng mô hình điểm về công tác bảo vệ môi trường, ra quân tổng vệ sinh thôn xóm vào ngày thứ 6 hàng tuần...
Tổ chức truyền thông về công tác bảo vệ môi trường, quản lý sử dụng đất đai, môi trường với sức khoẻ con người cho cán bộ, hội viên, nông dân thuộc các xã: Mỹ Thắng, Mỹ Tân (Mỹ Lộc); TT Lâm, Yên Ninh (Ý Yên); Nam Hồng, Nam Dương (Nam Trực); Hải Lộc, Hải Phú (Hải Hậu); Giao Yến, Hoành Sơn (Giao Thuỷ); Xuân Hồng (Xuân Trường)… Các huyện, thành Hội phối hợp với Phòng tài nguyên môi trường tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân với nội dung công tác về bảo vệ môi trường, nước sạch nông thôn, môi trường với sức khoẻ con người.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tập huấn bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho cán bộ, hội viên, nông dân thuộc 4 huyện: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng.
Qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về công tác bảo vệ tài nguyên biển đảo, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển. Đến nay, đã có trên 95% số hộ gia đình nông dân thực hiện ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường với UBND các xã, thị trấn trong tỉnh. Đăng ký đảm nhận các công trình giao thông, vận động nông dân đóng góp xây dựng các công trình nước sạch, đường, thu gom rác thải, xử lý chất thải.
Các cấp Hội phối hợp với các ngành, các cơ quan chức năng ở địa phương xây dựng được 195 đội thu gom rác thải ở các địa phương, hỗ trợ 58 xe thu gom rác, trang bị bảo hộ lao động cho đội thu gom rác tại các xã: Yên Ninh (Ý Yên), thị trấn Lâm (Ý Yên), Nam Hồng (Nam Trực), Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Hải Lộc (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Trường)…
Hội còn phối hợp với doanh nghiệp Trường Thành tổ chức tập huấn sử dụng rơm rạ thải để chế biến nấm ăn, sản xuất phân bón hợp vệ sinh, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Đến nay, các cấp Hội đã triển khai tại 74 xã, hiện mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tín chấp cho gần 30 ngàn hộ hội viên nông dân vay vốn xây dựng công trình nước sạch, công trình nhà vệ sinh, với tổng số dư nợ khoảng 200 tỷ đồng.
Ngoài ra Hội còn phối hợp với chi cục BVTV, trung tâm y tế dự phòng, các hãng sản xuất thuốc trừ sâu bệnh, phân bón hướng dẫn cho hội viên cách sử dụng an toàn các loại thuốc và thức ăn gia súc, phân bón trong danh mục được nhà nước cho phép, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật bỏ đúng nơi quy định, sử dụng an toàn phòng hộ cho người lao động.
Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định có 20 khu, cụm công nghiệp; 129 làng nghề, gần 300 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 52.000 hộ sản xuất thu hút được 135.000 lao động; có 10.114 trang trại, gia trại chăn nuôi thủy sản, gia súc gia cầm. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời đặt ra cho các cấp các ngành là vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra khá bức xúc ở khắp các địa phương cơ sở như: Vấn đề xử lý các chất thải, phế thải từ quá trình sản xuất của các nông trại, gia trại, trong quá trình trồng trọt chăn nuôi, trong sản xuất ngành nghề… Những vấn đề này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Thêm vào đó, người nông dân vẫn còn thói quen sinh hoạt thiếu vệ sinh, lạm dụng hoá chất trong canh tác nông nghiệp làm suy thoái đất, gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học cũng như môi trường sống của người dân trong sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn. Công cụ sản xuất thủ công tiếp xúc với môi trường sản xuất có độ ô nhiễm môi trường cao, thu nhập thấp, quy hoạch sản xuất và khu dân cư vẫn còn đang đan xen nhau dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, đời sống của người lao động và cộng đồng dân cư.
Để công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo đạt hiệu quả tốt hơn cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình phối hợp giữa ngành Tài nguyên và Môi trường với các cấp Hội Nông dân trong việc tuyên truyền vận động cán bộ hội viên nông dân chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (có hiệu lực từ 01/01/2015); đồng thời tạo mọi điều kiện để Hội Nông dân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động về bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn. Thêm vào đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường.
Quốc Hưng