Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mê Linh: Đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao trong xây dựng nông thôn mới

Qua gần 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Ðến nay, huyện đã có 12/16 xã về đích nông thôn mới (NTM). Trong năm 2018, địa phương phấn đấu thêm 2 xã (Tam Đồng, Chu Phan), nâng tổng số xã về đích là 14/16 xã. Hiện 4 xã còn lại là Tự Lập, Hoàng Kim, Tam Đồng, Chu Phan cơ bản đạt 16 -18/19 tiêu chí. Để đưa các xã trên về đích NTM, huyện đã đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm vùng trồng rau an toàn tại xã Tráng Việt (Mê Linh)

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

     Trong năm qua, thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020”, huyện Mê Linh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, hộ gia đình; đồng thời, triển khai 3 Đề án: Cơ giới hóa sản xuất trong nông nghiệp (hỗ trợ mua 48 máy gặt đập liên hợp, 3 máy cấy, 1 máy gieo hạt…); Phát triển cây vụ Đông quy mô 200 ha đậu tương và 30 ha khoai tây (hỗ trợ 100% giá trị giống) và Đề án hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi từ nhỏ lẻ trong khu dân cư sang gia trại, trang trại xa khu dân cư... Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô từ 50 ha trở lên (tại các xã Tam Đồng, Liên Mạc, Kim Hoa...); vùng sản xuất rau an toàn (xã Tráng Việt 200 ha, Tiến Thắng 70 ha, Tiền Phong 90 ha...); vùng sản xuất hoa, cây cảnh (tại các xã Mê Linh với 190 ha hoa hồng, Văn Khê 110 ha hoa hồng, Đại Thịnh 20 ha hoa hồng và 60 ha hoa cúc…); vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung xa khu dân cư (Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng…).

     Ngoài ra, toàn huyện có có 18 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (nhiều nhất Thành phố), 3 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng chấp thuận chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho 227 hộ… nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Ước tính, hiện nay, giá trị nuôi trồng thủy sản của Mê Linh đạt khoảng trên 500 triệu đồng/ha/năm, cây ăn quả đạt khoảng trên 350-400 triệu đồng/ha/năm, chăn nuôi đạt 500 triệu đồng/ha/năm.

 Để có thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp, huyện đã vận động các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp đẩy mạnh phân phối, chế biến đa dạng sản phẩm; xây dựng kế hoạch đào tạo cho người nông dân kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu và đưa thành chương trình hỗ trợ nông dân, các hộ kinh doanh cá thể…

     Phấn đấu đưa các xã còn lại về đích NTM

     Bước vào công cuộc xây dựng NTM, năm 2010, với xuất phát điểm thấp, toàn huyện Mê Linh chỉ đạt 1 tiêu chí (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều đạt thấp. Đến nay, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chỉ đạo NTM huyện, nỗ lực của các cấp, ngành, từ huyện đến xã, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, triển khai các tiêu chí cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM, cải thiện thu nhập cho người dân. Tính đến hết tháng 8/2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 39,12 triệu đồng/người/năm; dự kiến đến cuối năm 2018 ước đạt trên 41 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn là 97,8%; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo là 59,6%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 84,2%; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 là 2,35%.... Huyện đã thực hiện cứng hóa 23,5 km đường giao thông ngõ xóm; 5,5 km đường trục thôn; 4,5 km đường liên xã; 50,5 km trục chính nội đồng; xây mới 1 trạm bơm, cứng hóa 15 km kênh tưới bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn; xây dựng 23 nhà văn hóa thôn, nâng tổng số thôn có nhà văn hóa 70/74 thôn…, góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân.

     Là một trong 2 xã của huyện Mê Linh được công nhận NTM trong năm nay, xã Chu Phan được coi là điển hình thuần nông làm tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, hiện xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 nhà văn hóa thôn; xây dựng 7,3 km kênh mương trục chính; cứng hóa 9/10,5 km đường giao thông nông thôn…; xây dựng mô hình đường làng, ngõ, xóm Xanh - Sạch - Đẹp…

     Năm 2019, huyện cũng đề ra mục tiêu hoàn thành 2 xã NTM còn lại (Tự Lập, Hoàng Kim), phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt chuẩn NTM, với các chỉ tiêu đề ra là 55% số trường mầm non, 85% trường tiểu học, 70% trường THCS đạt chuẩn; chợ nông thôn đạt chuẩn của Bộ xây dựng đạt 65%; thôn, làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa 100%; gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 95%; chất thải được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 100%; HTX hoạt động có hiệu quả đạt 75%; Thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 50 triệu/người/năm…

     Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, huyện Mê Linh đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường trao đổi, phối hợp để nhận được sự hỗ trợ của các quận nội thành trong xây dựng NTM, nhất là trong xây dựng trường học, nhà văn hóa; Nâng cao tỷ lệ các hộ dân được sử dụng nước sạch; xử lý nước thải, chất thải; chất lượng công tác giáo dục đào tạo, y tế, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản của Mê Linh, hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ người nông dân đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Minh Hạnh (Tạp chí Môi trường)