Các vùng nông thôn Hà Nội những ngày này khiến nhiều người ngỡ ngàng. Những ruộng hoa ly, hồng, cúc, lan tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Mê Linh, Phúc Thọ, Thường Tín đua nhau khoe sắc. Những ruộng rau xanh mơn mởn ở Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ, Chương Mỹ đang vào kỳ thu hoạch, có giá trị sản xuất từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, diện tích trồng rau an toàn, rau hữu cơ tăng mạnh và chất lượng đã nâng lên rõ rệt; trong đó diện tích trồng rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt hơn 5.000 ha, hơn 300 ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả cho thu nhập cao, đạt giá trị từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng /ha/năm; tăng từ 3 đến 20 lần so với trồng lúa.
Hiện, thành phố đã xây dựng được 131 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (tăng bốn mô hình so với năm 2018), nổi bật như: Nhà máy sản xuất Nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, tại xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức; mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; mô hình trồng hoa lan hồ điệp tại HTX Đan Hoài - Flora, huyện Đan Phượng...; giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Thủ đô.
Cùng với đó còn có hơn 120 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với nhiều nhãn hiệu được bảo hộ, gồm: gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn chín muộn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... Nhiều nông dân đổi đời nhờ làm nông nghiệp, như hộ gia đình anh Đỗ Huy Nghĩa (ở huyện Phúc Thọ) thu tiền tỷ mỗi năm từ trồng hoa ly, anh Nguyễn Đức Lập (huyện Đông Anh) nuôi gà an toàn sinh học cho thu nhập cao. Hay gia đình ông Triệu Tiến Ích (huyện Hoài Đức) có của ăn, của để nhờ trồng nhãn muộn.
Chia sẻ với chúng tôi, chủ trang trại chăn nuôi Kiều Hữu Hợp (huyện Thạch Thất) cho biết, nhờ kết hợp “ao-chuồng” để vừa nuôi lợn rừng và cá, mỗi năm gia đình anh thu lãi hàng trăm triệu đồng, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Đánh giá về những kết quả đạt được, Chi cục trưởng Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, nhờ có quá trình xây dựng NTM, hầu hết cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đầu tư khang trang, 100% số trạm y tế xã có bác sĩ. Người dân có việc làm, thu nhập tốt hơn nhờ sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Thủ đô ước đạt 46,5 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,81%.
Từ những thành tựu nêu trên, Hà Nội đang hướng đến xây dựng NTM nâng cao. UBND thành phố đã ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020. Trên cơ sở đó, thành phố chỉ đạo các huyện, thị xã rà soát, lựa chọn và tổ chức cho các xã đăng ký. Cùng với đó chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Đơn cử như tại Đan Phượng, huyện đầu tiên của Thủ đô đạt chuẩn NTM, trước khi có bộ tiêu chí mới và hướng dẫn của thành phố, huyện đã triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu tại các xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung với những điểm nhấn: Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của nhân dân, đến nay ba xã này đã cơ bản đạt. Năm nay, theo kế hoạch có bảy xã: Đồng Tháp, Phương Đình, Thọ An, Trung Châu, Liên Hà, Tân Hội, Tân Lập đạt xã NTM nâng cao và năm 2020 có thêm năm xã: Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Thọ Xuân, Hồng Hà, Liên Hồng đăng ký đạt.
Tuy nhiên, xây dựng NTM ở Hà Nội thời gian qua vẫn còn một số bất cập như: công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; cán bộ làm công tác xây dựng NTM từ huyện đến xã đều kiêm nhiệm, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công việc. Việc quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn còn yếu, đặc biệt ở một số làng nghề chưa có giải pháp bảo vệ môi trường hữu hiệu khiến đời sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế trong việc thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là mối lo của người tiêu dùng.
Để làm tốt hơn nữa, thời gian tới cần thực hiện xây dựng NTM bảo đảm chất lượng, đồng bộ, hiệu quả, bền vững, gắn kết với phát triển du lịch, phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tập trung các nguồn lực trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng cho nông thôn, nhất là các lĩnh vực môi trường, xử lý rác, nước thải, cung cấp nước sạch. Đồng thời tích cực tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Tập trung hỗ trợ giảm nghèo, đào tạo nghề, tạo thêm việc làm cho nông dân. Các xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2019 tập trung quyết liệt xây dựng và hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt, phấn đấu năm nay có thêm 30 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao..., góp phần để nông thôn Thủ đô thật sự trở thành những nơi đáng sống.