Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Điện Biên: Những khởi sắc sau 75 năm độc lập

(TN&MT) - Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa quan trọng, mở ra thời kì mới trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và dân chủ của đồng bào các dân tộc Điện Biên. Đã 75 năm trôi qua, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngày nay đồng bào các dân tộc Điện Biên lại cùng đoàn kết xây dựng quê hương ngày một đổi mới.



Thành phố Điện Biên Phủ những khởi sắc sau 75 năm độc lập

Nằm trên dải biên cương Tây Bắc tổ quốc, Điện Biên là tỉnh duy nhất có đường biên giới giáp hai nước Lào và Trung Quốc. Đây là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của đất nước. Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 11 năm đó Thực dân Pháp quay trở lại Lai Châu.

Với sự dẫn dắt của các lực lượng cách mạng, Nhân dân Lai Châu tiếp tục đứng lên tiến hành kháng chiến chống Thực dân Pháp theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ. Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, chấm dứt ách đô hộ của Thực dân Pháp trên đất nước ta, đem tới hòa bình, độc lập trên toàn miền Bắc. Đã nhiều thập niên trôi qua, trên mảnh đất còn ghi nhiều dấu ấn lịch sử, đồng bào các dân tộc Điện Biên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng năm xưa, đoàn kết một lòng xây dựng quê hương giàu đẹp.

Giao thông nông thôn ở xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo được kiên cố, mở mới, tạo thuận lợi cho nhân dân vùng căn cứ cách mạng vươn lên xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Những năm 1948-1949, hai xã Pú Nhung và Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo được chọn làm căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Mông nơi đây đã khiến cho Thực dân Pháp nhiều phen khốn đốn. Cũng từ đây phong trào cách mạng phát triển rộng khắp Điện Biên, Lai Châu và đưa đến thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Đến với xã Pú Nhung trong những ngày cả nước vui mừng kỷ niệm 75 năm ngày quốc khánh 2/9, cuộc sống của người dân Pú Nhung hôm nay đã khoác trên mình một diện mạo hoàn toàn mới. Được đánh giá là vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, nhờ được sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước, đồng bào các dân tộc xã Pú Nhung được hưởng nhiều chính sách đầu tư hạ tầng cơ sở,hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, nhờ đó hộ nghèo có động lực vươn lên, trẻ em được đến trường. Điều kiện sống ngày một tốt hơn, đồng bào Mông Pú Nhung cũng chủ động tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đaim khí hậu để phát triển kinh tế.

Anh Vừ A Páo, Bản Xá Tự, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo tâm sự: “Được Đảng Nhà nước đầu tư làm đường, hỗ trợ sản xuất, cuộc sống của bà con Pú Nhung đã không còn cảnh thiếu ăn như những năm trước đây, các con được đi học đầy đủ, có công ăn việc làm ổn định. Đồng bào Mông Pú Nhung cảm ơn Đảng Bác Hồ nhiều lắm”.

Ông Vừ Sáy Sùng, Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo cho biết: Nhờ có sự quan tâm đầu tư của Đảng, nhà nước thông qua các nguồn vốn 135CP, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Pú Nhung đã ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở hạ tậng như : Đường giao thông, trường học, trạm y tế, hỗ trợ sản xuất, tạo động lực để nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Thành phố Điện Biên rợp bóng cờ hoa chào mừng nhân dịp kỷ niệm 75 năm quốc khánh 2/9.

Không chỉ xã vùng cao như Pú Nhung đang có nhiều đổi thay, có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, khắp các bản làng từ vùng thấp tới vùng cao Điện Biên đều đang có những bước chuyển mình tích cực, trên các vùng đất tái định cư Thủy điện Sơn La hơn 10 năm về trước, nay có thật nhiều thay đổi. Bản làng, xóm phố đông vui, kinh tế phát triển, bà con cùng nhau đoàn kết, sẻ chia khó khăn giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế. Cuộc sống ngày càng ấm no, người dân Điện Biên thêm tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao Điện Biên phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tỉnh ngày một đi lên. Trong khoảng một thập niên trở lại đây, vận dụng tốt các nguồn đầu tư, Điện Biên đã và đang khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp xây dựng, dịch vụ du lịch, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao Điện Biên phấn đấu đưa kinh tế - xã hội tỉnh ngày một đi lên.

Giai đoạn 2016 – 2019, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 8,3%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ước đạt trên 27 triệu đồng/người/năm ; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp, giảm tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Ba năm liền từ 2016 đến 2018, thu ngân sách địa phương đều đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Trong 3 năm trở lại đây, thực hiện đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ nông sản của Điện Biên đã có bước đột phá. Toàn tỉnh hiện có 11 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân. Các sản phẩm đặc trưng như: Lúa gạo Điện Biên, chè Shan Tuyết Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng đang được xây dựng trở thành các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu trên toàn quốc.

Hiện Dự án cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất lúa gạo đặc sản của Điện Biên được quan tâm đầu tư, đang góp phần khẳng định hơn nữa thương hiệu gạo Điện Biên, tạo nguồn thu cho nông dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Điện Biên vẫn đang tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, coi đây nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, trước tiên chúng tôi rà soát quy hoạch 3 loại rừng để thu hút doanh nghiệp vào trồng rừng kinh tế và khu vực nằm trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư, như huyện Mường Ảng, Tuần Giáo và cánh đồng Mường Thanh huyện Điện Biên, có điều kiện để phát triển hàng hóa. Chính phủ đã có Nghị định 57 và thông tư 04 tháo gỡ Quyết định 210 trong giai đoạn trước. Đây là thuận lợi để chúng ta thu hút đấu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, Điện Biên còn khai thác tốt tiềm năng và lợi thế về du lịch, mở ra các tuyến, các điểm du lịch giàu sức thu hút như: Tuyến du lịch Điện Biên Phủ - Pá Khoang – Mường Phăng ; tuyến du lịch cao nguyên đá Tủa Chùa ; du lịch sông nước thị xã Mường Lay ; du lịch vùng ngã ba biên giới Sín Thầu – Mường Nhé. Nhiều doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch, làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ du lịch tỉnh ngày càng phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Năm 2019, 2020 là hai năm kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên nói riêng và toàn quốc nói chung chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên trong khó khăn bà con các dân tộc Điện Biên vẫn đoàn kết một lòng, tin tưởng vào Đảng và Chính phủ, tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới theo lộ trình.

Tin tưởng đường lối chủ trương lãnh đạo Đảng và nhà nước, Điện Biên tiếp tục nỗ lực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới theo lộ trình.

Tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt trên hơn 5.330 tỷ đồng. Tổng sản lượng lương thực 6 tháng đầu năm ước đạt trên 122.000 tấn. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 180 tỷ. Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới, được UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả, trọng tâm là triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới13 xã cơ bản đạt chuẩn ; 24 xã đạt từ 10-14 tiêu chí và số tiêu chí bình quân các xã trên địa bàn tỉnh đạt là 11 tiêu chí/xã.

Với chủ trương, đường lối lãnh đạo không ngừng đổi mới của Đảng và Nhà nước, sự đoàn kết, sẻ chia và với sự đồng thuận của đồng bào các dân tộc Điện Biên, vùng đất biên cương, phên dậu của tổ quốc Điện Biên hôm nay đang ngày một đi lên. Đời sống của Nhân dân ấm no, an ninh trật tự và chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, đó là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Điện Biên hôm nay. Đó cũng là mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong thời kì mới.

Trần Sơn (Báo TN&MT)