UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng thành lập, kiện toàn và vận hành bộ máy hoạt động gồm Quỹ Bảo vệ - Phát triển rừng và hệ thống chi trả; các ngành chức năng địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân.
Trong năm 2015 và những năm tiếp theo, tỉnh Đắk Nông tiếp tục giao đất, giao rừng cho cộng đồng, nhóm hộ, hộ dân để họ được hưởng lợi nhiều hơn từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chính quyền các huyện, thị xã chỉ đạo các xã xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng trên toàn bộ diện tích được giao quản lý; nâng cao năng lực của các đơn vị chủ rừng; các cơ quan chức năng phải chủ động trong việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, tăng cường công tác truyền thông đến tận người dân một cách có hiệu quả.
Tỉnh Đắk Nông có khoảng 100 điểm có thể xây dựng các nhà máy thủy điện với tổng công suất gần 1.000MW. Tỉnh có nhiều nhà máy thủy điện lớn đang đưa vào vận hành, sản xuất và hòa lưới điện quốc gia như Công trình thủy điện Buôn Tua Srah gồm 2 tổ máy, có công suất 86M, sản lượng điện hằng năm của nhà máy này đạt 358,6 triệu kWh thuộc địa phận huyện Krông Nô; hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 nằm trên địa bàn xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long có tổng công suất 520MW, sản lượng điện 1,7 tỉ kWh/năm không chỉ tăng nguồn năng lượng cho đất nước, mà còn góp phần tưới tiêu cho 12.280ha lúa, 1.600ha hoa màu, cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, chống lũ; nhà máy thủy điện Đắc R’tíh thuộc địa phận huyện ĐắkR’ Lấp và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) có công suất thiết kế là 144MW và hàng chục thủy điện vừa và nhỏ khác.