PV: Thưa ông, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gần đến thời gian kết thúc giai đoạn 2 (Giai đoạn 2106 - 2020), trong đó nhiều mục tiêu đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra, xin ông cho biết vai trò cũng như kết quả “Tiêu chí môi trường” trong xây dựng NTM nói chung và giai đoạn 2016 - 2020 nói riêng?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Chúng ta đã đi được chặng đường 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn và 8 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NTM (hai giai đoạn 2010 - 2015 và 2016 - 2020), với chủ trương đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng với các biện pháp tích cực, đồng bộ triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương, có thể khẳng định, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM đã hoàn thành vượt tiến độ. Cả nước đã có gần 3.700 xã (chiếm khoảng 42,3% tổng số xã trên toàn quốc) đạt chuẩn NTM, 61 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Như vậy, hoàn toàn có thể đạt mục tiêu phấn đấu cả nước có 50% số xã đạt chuẩn vào cuối năm 2019, về đích trước 1 năm so với mục tiêu của Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.
Trong suốt những năm triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 1 (2010 - 2015), việc thực hiện Tiêu chí môi trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh nhiều các địa phương chưa quan tâm vào cuộc, dường như các mục tiêu về môi trường vẫn còn mang tính hình thức. Đâu đó, các cơ quan quản lý môi trường còn lúng túng về phạm vi, trách nhiệm. Vì vậy, công tác triển khai thực hiện còn hạn chế, ưu tiên trọng tâm ở các địa phương vẫn là đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình phục vụ sản xuất), vì dễ nhìn thấy kết quả đầu ra.
Do vậy, không quá ngạc nhiên khi kết thúc giai đoạn 1, môi trường là một trong những Tiêu chí có tỷ lệ xã đạt chuẩn thấp và thiếu tính bền vững nhất (tính đến hết tháng 4/2016, cả nước có 42,38% số xã đạt Tiêu chí về môi trường trên tổng số xã trên toàn quốc).
Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu về nguồn lực, nhận thức; một số nội dung trong Tiêu chí chưa lượng hóa cụ thể, khó đánh giá, phân công trách nhiệm chưa rõ giữa các Bộ/ngành và địa phương...
Tháng 4 năm 2015, tại Nam Định, liên Bộ TN&MT - Bộ NN&PTNT đã đồng chủ trì tổ chức Hội nghị “Xây dựng mô hình cộng đồng xử lý môi trường bền vững ở các xã NTM”. Hai Bộ đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, phân tích nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện Tiêu chí số 17. Do đó, từ cuối giai đoạn 1 và nhất là bước sang giai đoạn 2, nội dung môi trường trong xây dựng NTM đã được nhìn nhận hoàn toàn khác, nhất là khi Ban Chỉ đạo Trung ương đã khẳng định rõ môi trường cùng với phát triển sản xuất và văn hóa - an ninh trật tự là 3 nội dung trọng tâm của xây dựng NTM. Bên cạnh hạ tầng nông thôn đã được quan tâm đầu tư; các mô hình sản xuất được định hình và phát triển. Đến lúc, nông thôn Việt Nam không chỉ hài lòng với “ăn no, mặc ấm” mà phải tiến tới “ăn ngon, mặc đẹp”, với những “miền quê đáng sống”. Môi trường đang dần khẳng định vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH nông thôn nói chung và trong quá trình xây dựng NTM nói riêng. Môi trường không chỉ là diện mạo, thành quả xây dựng NTM, mà còn là nền tảng cho trật tự xã hội, là chỉ số hài lòng và hạnh phúc của người dân, cầu nối xây dựng, khôi phục nền tảng văn hóa cộng đồng làng xã cũng như khẳng định tính bền vững và nhân văn của xây dựng NTM.
Đến hết tháng 9/2018, cả nước có 4.893 xã (chiếm 54,8% số xã) đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. Có đươc thành công này, đó là sự chuyển biến rất lớn trong nhận thức và quyết tâm chính trị của Cấp ủy và Chính quyền địa phương các cấp, sự phân công trách nhiệm, quyết tâm đồng lòng và tính tự giác của người dân. Nhiều nơi, môi trường sống xanh và đẹp đã trở thành nhu cầu tất yếu của người dân nông thôn.
Nếu có điều kiện về thăm bản Sin Súi Hồ - huyện Phong Thổ (Lai Châu), huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), Yên Khánh (Ninh Bình), Nghi Xuân (Hà Tĩnh), Tiểu Cần (Trà Vinh), thị xã Bình Minh (Vĩnh Long), các bạn sẽ cảm thấy tự hào về môi trường nông thôn và sự thay đổi của môi trường trong xây dựng NTM.
Có thể thấy, sự đa dạng, sáng tạo trong các mô hình thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, có những nơi chất thải được thu gom và xử lý tập trung như Bình Dương. Ở đây, chúng tôi chưa bình luận về giải pháp, công nghệ, mà chỉ trao đổi về cách làm.
Ngoài ra, không thể không nói đến tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn ngày một gia tăng; công tác quản lý cơ sở sản xuất, nghĩa trang, quản lý hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và an toàn thực phẩm cũng đã dần đi vào nề nếp. Có thể nói, chưa bao giờ các quy định của pháp luật về môi trường đã trở nên gần gũi, thân thiết, đi vào đời sống như giai đoạn hiện nay. Từ người dân, nhất là chính quyền cấp xã đã chủ động đặt câu hỏi, đi thăm quan học tập lẫn nhau để tìm hiểu và thực thi.
PV: Sau 8 triển khai, ông có nhận định/đánh giá như thế nào về những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Bài học thành công đầu tiên và quan trọng nhất đó là sự quan tâm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và người dân đến môi trường. Từ đó đã chuyển hóa thành những ưu tiên bố trí nguồn lực, cách thức triển khai, vừa học hỏi vừa rút kinh nghiệm.
Bài học thứ hai, đó là cách thức tổ chức thực hiện, phải xác định người dân chủ thể (có giao việc, hỗ trợ, đôn đốc và kiểm tra). Vì Tiêu chí môi trường không phải lúc nào cũng cần quá nhiều tiền, nhưng cần cách làm phù hợp và sự kiên trì. Nếu dừng lại thì các thành quả sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu đầu tư lò đốt hiện đại nhưng không vận hành đúng, không phân loại chất thải…thì công trình đó cũng bỏ đi. Có một số nơi, sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt chuẩn NTM xong, người dân và chính quyền “buông tay” khiến cảnh quan, đường hoa xơ xác, ao hồ, sông suối lại ngập trong rác.
Khuôn viên khu xử lý rác thải sinh hoạt ở Xuân Trường (tỉnh Nam Định)
Thành công thứ ba, đó là nguồn lực, đừng quá trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, hãy biết huy động sức dân một cách hiệu quả, hợp lý, công khai và minh bạch. Cách đây 10 năm, nói đến nước sạch nông thôn với muôn vàn khó khăn, và chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Nhưng đến nay, nhiều địa phương hoàn toàn không còn phải lo phân bổ kinh phí cho hoạt động này nữa khi thị trường nước sạch nông thôn ở một số địa phương thu hút nguồn xã hội hóa tham gia đầu tư. Mong muốn những năm tới đây, công tác thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn sẽ kêu gọi nguồn xã hội hóa cùng tham gia.
Bên cạnh những thành công nêu trên, hiện vẫn còn những khó khăn cần sự quan tâm chỉ đạo, giải quyết từ các cấp chính quyền.
Thứ nhất, Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm là tiêu chí rộng, có tính liên ngành cao. Như vậy, cần phân định rõ rang, tránh chồng chéo cũng như bỏ lọt trách nhiệm. Từ đó mới đánh giá được hiệu quả sự vào cuộc của các ngành trong cuộc cách mạng NTM hiện nay.
Thứ hai, cần “lời giải” cho bài toán công nghệ xử lý chất thải hiệu quả, phù hợp với điều kiện chung ở nông thôn Việt Nam. Hiện nay, nhiều nguồn lực từ Trung ương và địa phương đầu tư công trình xử lý chất thải được triển khai thực hiện, tuy nhiên, mô hình công nghệ không hợp lý, thiếu an toàn… Do đó, các Bộ/ngành cần sớm đưa ra câu trả lời cho vấn đề này, tránh sự đầu tư lãng phí.
Thứ ba, công tác chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất, chế biến tập trung cần được triển khai, thực hiện theo quy hoạch. Nói đến sản xuất là phát sinh ô nhiễm, nhưng không thể tách đời sống người dân nông thôn khỏi sản xuất, nó tồn tại hàng ngàn đời nay. Như vậy, chúng ta phải định hướng, loại hình nào, quy mô nào thì được hoặc không được sản xuất trong khu dân cư nông thôn. Nếu không, chẳng nỗ lực nào có thể giải quyết được.
Một điểm nữa, cần xác định trách nhiệm có tính nhân - quả đối với vấn đề môi trường. Ví dụ về vấn đề thu gom rác thải hay nước thải, người dân, doanh nghiệp là đối tượng xả thải, nhưng lại vô can trong xử lý. Dẫn đến cứ quy hoạch khu xử lý thì phản ứng, khiếu kiện. Ngược lại, không nên để người dân một khu vực chịu đựng sự ô nhiễm do chất thải từ các khu vực khác mang tới, bên cạnh việc tôn trọng người dân địa phương, có các chính sách bù đắp tổn hại về sức khỏe, việc làm, thu nhập và môi trường.
PV: Thời gian còn lại của Chương trình không còn nhiều, vậy liệu các mục tiêu về môi trường có đạt được một cách bền vững hay không và tầm nhìn cho giai đoạn tiếp như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Tiến: Mặc dù thời gian còn lại không nhiều, nhưng chúng tôi rất tin tưởng, với sự vào cuộc, sức lan tỏa của môi trường trong xây dựng NTM, các mục tiêu về môi trường sẽ đạt được, cụ thể: “70% số xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường; 75% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được quản lý và sử dụng tốt”. Trong đó, sẽ thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về cấp sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống; Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch; thu gom xử lý nước thải, chất thải theo quy định; cải tạo nghĩa trang; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Riêng đối với làng nghề, hiện nay các địa phương chưa thực sự quan tâm, tập trung nguồn lực phân bổ kinh phí và triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình trạng này.
Với lộ trình từ nay đến năm 2020, mong muốn các Bộ/ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện Tiêu chí môi trường; Huy động các nguồn lực (không chỉ từ nguồn Chương trình mục tiêu) với trọng tâm ưu tiên (cung cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, khắc phục ô nhiễm tại các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng). Kế thừa và phát huy nhiều bài học kinh nghiệm tốt, cần tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ các mô hình, điểm sáng trên diện rộng nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đường ra đồng tràn ngập hoa ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long)
Bên cạnh đó, cần tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng của Tiêu chí tại các địa phương đã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, không ngừng triển khai thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan, cải tạo các khu vực ô nhiễm; thu gom triệt để chất thải sinh hoạt, chăn nuôi, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chất thải sản xuất phát sinh trên địa bàn nông thôn và có giải pháp xử lý phù hợp; quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến trên địa bàn, tuân thủ các quy định về môi trường và an toàn thực phẩm.
Với tầm nhìn dài hạn sau 2020, các ngành chức năng có liên quan cần xác định rõ trọng tâm ưu tiên, lộ trình và cách làm phù hợp. Những thành quả của giai đoạn này thể hiện định hướng đúng, cách làm đúng. Giai đoạn sau 2020, cần tiếp tục củng cố hợp phần môi trường theo cả chiều rộng và chiều sâu. Với chiều rộng, cần tập trung cho các địa phương khó khăn, các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo. Với chiều sâu, cần củng cố chất lượng trong chính nội hàm các tiêu chí. Bên cạnh đó, cần có những mục tiêu cao hơn để nâng cao chất lượng cuộc sống và quan trọng hơn là hình thành một hệ sinh thái nông nghiệp - nông thôn bền vững, an toàn về môi trường. Trong đó, chú trọng nội dung về nước sạch; các giải pháp đồng bộ về quy hoạch và đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước thải phù hợp cho khu vực nông thôn; hình thành các khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sinh thái; Các khu vực sản xuất - chế biến tập trung xanh, cách xa khu dân cư, an toàn về môi trường; “khu dân cư kiểu mẫu”, “vườn mẫu”, “hàng rào kinh tế - sinh thái”, các tuyến đường xanh, đường hoa…Mặt khác, cần quy hoạch và đầu tư hệ thống thu gom và xử lý chất thải tập trung thân thiện, an toàn về môi trường với giải pháp công nghệ, biện pháp thu gom, phương thức quản lý hiệu quả; nâng cao tỷ lệ phân loại rác tại các hộ gia đình. Phấn đấu đến năm 2030, tại khu vực nông thôn, 100% rác thải vô cơ được thu gom và xử lý tập trung; rác hữu cơ được phân loại, xử lý cho các mục đích khác ngay tại các hộ gia đình/cụm dân cư. Các loại chất thải nông nghiệp được tận thu, quay vòng tái sử dụng một cách hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế; Hoạt động thu gom chất thải được xã hội hóa 100%.
Mong ước của những người làm NTM làm sao để nông thôn Việt Nam vừa là nơi sản xuất lượng thực, thực phẩm sạch, an toàn cho toàn xã hội; vùng đệm sinh thái cho khu vực đô thị; nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, “miền quê đáng sống”; điểm đến của du khách, sự trải nghiệm về văn hóa du lịch “nông nghiệp - nông dân - nông thôn”... Để có được mong ước nói trên, thì chất lượng môi trường là yếu tố có ý nghĩa quyết định.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!