Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Rác thải nông thôn: Bài toán chưa có lời giải hữu hiệu.

Lâu nay khu vực nông thôn vẫn được cho là có môi trường sống trong lành. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, vùng nông thôn đã và đang phát sinh 40.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Trong khi đó công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường: Mỗi ngày có khoảng gần 40.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn

Từ nhiều năm nay, bãi tập kết rác thải sinh hoạt tại các xóm ở xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh của người dân. Rác thải ứ đọng thường xuyên, tràn ra lòng đường với đủ loại từ xương động vật đến túi nilong, rác thải hữu cơ, chất thải công nghiệp, ruồi muỗi…và luôn trong tình trạng bốc mùi nồng nặc, khói khét mù mịt… Người dân lo lắng, bức xúc, cho rằng ô nhiễm môi trường từ bãi rác thải đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, nhất là thời gian gần đây, số người bị ung thư trên địa bàn khá nhiều

Bà Nguyễn Thị Gái, xã Tam Hiệp cho biết: Có những thời điểm cả nửa tháng cũng không thấy xe về chuyên chở rác đi xử lý. Cũng do địa phương chỉ hợp đồng với công ty môi trường vận chuyển rác thải sinh hoạt nên rác thải công nghiệp không được vận chuyển và luôn trong tình trạng ùn ứ.

Không riêng gì xã Tam Hiệp, hầu hết bãi tập kết rác ở nhiều khu vực nông thôn cũng trong tình cảnh tương tự. Một số nơi bãi rác thải tự phát được hình thành tự phát, cạnh các con đường, dọc quốc lộ, dọc kênh, mương…

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi ngày có khoảng gần 40.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn, nhưng tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 50-60%, có nơi chỉ đạt khoảng 30%. Còn phần lớn rác thải được chôn lấp thủ công, xử lý không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, cho rằng: rác thải nông thôn là bài toán đâu đầu với các cấp chính quyền. Tình trạng rác thải bị đổ và xử lý bừa bãi đang rất phổ biến, nhất là tại các làng nghề. Hiện cả nước có gần 1.500 làng nghề, trong đó, các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm phần lớn (hơn 70%). Do đó, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người dân làng nghề.

Theo quy định của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mỗi xã phải có bãi rác nhưng đến nay, số xã có bãi rác chưa nhiều. Hầu hết các xã ở vùng nông thôn chỉ có các bãi chứa rác tạm thời và các bãi tập kết rác thải luôn trong tình trạng quá tải bởi lẽ các biện pháp thu gom rác với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, phương tiện xe gom không đủ, thô sơ và không đúng quy cách, thời gian thu gom cũng không thống nhất. Tại nhiều địa phương, việc thu gom rác chỉ dừng lại tại điểm trung chuyển, chưa giải quyết được toàn bộ vấn đề thu gom rác ở khu vực. Hơn nữa, phần lớn các địa phương chưa có hoạt động phân loại và tái chế rác. Thậm chí, nhiều thôn, xã chưa có các đơn vị chuyên trách thu gom rác.

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới, nước ta đang mất khoảng 69 triệu đô la Mỹ thu nhập từ ngành du lịch do hệ thống xử lý vệ sinh kém, trong đó có xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt. Môi trường ô nhiễm, không chỉ làm mất cảnh quan, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, mà còn là nguyên nhân làm cho tình hình dịch bệnh của cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế cũng như sự phát triển xã hội.

Tại Điều 7 Luật Bảo vệ Môi trường quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong đó cấm vận chuyển, chôn lấp chất độc, chất phóng xạ, chất thải và chất nguy hại khác không đúng quy trình kỹ thuật về bảo vệ môi trường. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí. Điều 143 cũng quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân các cấp. Nhưng trên thực tế, với không ít người dân, khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì việc bảo vệ môi trường chỉ là thứ yếu. Chính quyền địa phương nhiều nơi cũng chưa chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, một số địa phương thì “lực bất tòng tâm” do nguồn vốn hạn hẹp, không thể xây dựng hệ thống xử lý hoặc lò đốt rác mà chỉ có thể xây dựng bãi đổ rác tạm thời và hợp đồng với Công ty Môi trường để xử lý rác thải sinh hoạt nên tình trạng ù ứ rác thải công nghiệp hay ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương vẫn diễn ra.

Hiện trạng quản lý, xử lý rác thải kém hiệu quả khu vực nông thôn đã và đang là nỗi trăn trở trong cộng đồng cư dân, đặt ra nhiều thách thức đối với nhiều cấp, ngành, đặc biệt là ngành tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi sự thay đổi từ nhiều phía theo hướng chuyên nghiệp trong việc thu gom, xử lý rác thải, bảo đảm môi trường nông thôn và cho người dân...

Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề rác thải nông thôn hiện nay:

Phóng viên: Thưa đại biểu, 40.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn, nhưng tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 50-60%. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

 

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn là một trong những vấn đề nhức nhối

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn là một trong những vấn đề nhức nhối của quá trình phát triển kinh tế xã hội. Cùng với quá trình đô thị hóa thì rác thải nông thôn ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thu gom rác thải ở khu vực nông thôn còn hạn chế, để nổi, chưa được xử lý đúng quy trình... Đây rõ ràng là một tiềm tàng về ô nhiễm môi trường cũng như cho thấy tiêu chí về nông thôn mới về xử lý rác thải là chưa đạt được. Tình trạng ô nhiễm từ nguồn đất, nước và không khí ở vùng nông thôn cũng đã khiến cho sức khỏe của người dân nhiều vùng bị ảnh hưởng. Nếu như trước đây nói người dân nông thôn bị mắc bệnh ung thư thì không nhiều lắm, nhưng đến bây giờ thì người dân nông thôn mắc bệnh ung thư xảy ra tương đối nhiều. Tình trạng bãi rác thải nông thôn ùn ứ nhiều, cho thấy cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự vào cuộc, các cấp có thẩm quyền chưa quan tâm đúng mức. Hôm nay, bãi rác này chỉ chừng 10 tấn, nhưng sau một thời gian nữa nó có thể là 50 tấn, 100 tấn, điều đó gây nguy hại rất nhiều.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Lượng rác thải nông thôn phát sinh ngày càng nhiều, nhất là tại các làng nghề. Tuy nhiên, việc thu gom rác tại nông thôn chưa được coi trọng, nhiều nơi chưa có các đơn vị chuyên trách thu gom. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ và không được diễn ra thường xuyên do vậy nhiều nơi tập kết rác của địa phương ùn ứ. Bên cạnh nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường ngày một nang cao thì tình trạng nhiều hộ dân chỉ quan tâm làm sạch gia đình mình, chưa quan tâm đến môi trường sống của cộng đồng, đổ rác bừa bãi ra quanh khu vực mình sinh sống, ra bờ mương, đường làng ngõ xóm vẫn còn, khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

 

Đại biểu Trương Minh Hoàng: Việc quy hoạch, quản lý rác thải nông thôn còn nhiều bất cập, ý thức của người dân chưa cao 

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Hiện nay việc quy hoạch, quản lý rác thải nông thôn còn nhiều bất cập, ý thức của người dân chưa cao vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi ra kênh mương đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện. Hoạt động thu gom rác thải vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa tập trung. Công tác thanh tra, kiểm tra thuộc trách nhiệm chính quyền cơ sở chưa được thường xuyên, xử lý vi phạm chưa nghiêm nên chưa tạo được kỷ cương trong thực hiện công tác quản lý rác thải tại cộng đồng nhân dân. Tuy nhiên, ở một vài địa phương, công tác xử lý rác thải nông thôn rất tốt, nhiều người nâng cao y thức, tự phân loại rác, tự xử lý tái chế rác làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn cho vật nuôi. ..

Phóng viên: Rác thải nông thôn vẫn đang bài toán nan giải ở nhiều địa phương. Theo đại biểu cần có những giải pháp như thế nào để gỡ được nút thắt này?

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Hướng tới bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, trước hết phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cho người dân thấy được bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp ở đường làng, ngõ xóm là bảo vệ cho chính mình. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện nghiêm các biện pháp đã quy định trong việc xử lý rác thải tại địa phương. Bãi rác thải của thôn, xã phải được đưa đi xử lý đúng quy trình ở bãi rác thải tập trung theo quy định.

 

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh: Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Các phương pháp vận động trong nhân dân như phân loại rác đã triển khai rất tốt ở nhiều địa phương, mô hình này cần được nhân rộng hơn nữa. Chúng ta không quá tham vọng tuyên truyền trong một vài ngày mà phải thường xuyên liên tục tuyên truyền người dân với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, để người dân dần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thu gom rác, xử lý rác thải, làm sạch môi trường, bảo vệ môi trường và tránh láng phí…chúng ta phải hết sức kiên trì, kiên trì tuyên truyền trong nhân dân, trong từng hộ gia đình, thậm chí từng đứa trẻ. Trên thực tế, nhiều gia đình giáo dục trẻ nhỏ rất hay như “không được vứt rác ra đường bừa bãi mà phải bỏ rác đúng nơi quy định”, từ đó hình thành thói quen ngay từ khi còn nhỏ, dần dần lan tỏa nâng cao ý thức trong cả gia đình. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt.

Đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Đẩy mạnh trong công tác chế tài. Chế tài này phải lấy được từ cơ sở nhân dân, chứ còn nếu như dùng biện pháp con người để xử lý trong cán bộ chuyên môn thì rất khó. Ví dụ trong các cuộc sinh hoạt ở thôn xóm, tổ dân phố, những cá nhân nào, gia đình nào vi phạm vứt rác thải bừa bãi hay đốt rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường…thì cần đưa ra phê bình, kiểm điểm, góp ý làm sao để người dân cùng đồng lòng nâng cao ý thức. Bên cạnh đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, có biện pháp xử lý đủ sức răn đe. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong việc thu gom, xử lý rác thải để tái chế nguồn rác thải sinh hoạt, rác thải rắn một cách hiệu quả, tránh lãng phí, tránh gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường về vấn đề bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lê Phương