Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phụ nữ huyện Cẩm Thủy với môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phúc Do đang dồn sức cho ngày cán đích nông thôn mới (NTM). Góp phần vào thành quả ấy, không thể không nói đến sự “chung tay” của hội viên phụ nữ xã trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực nông thôn.



​Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến xã miền núi này, chính là những con đường rợp sắc hoa chạy đến từng con ngõ nhỏ. Chị Hoàng Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã vồn vã khoe: “Đến nay, chị em phụ nữ trong xã đã trồng được hơn 4 km đường hoa. Việc làm tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, giàu sức sống cho khu vực nông thôn, mà còn góp phần giữ vững tiêu chí vệ sinh môi trường của xã”. Từ năm 2017, thực hiện phong trào “Phụ nữ Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”, Hội LHPN xã Phúc Do đã triển khai xây dựng các mô hình “Đoạn đường chi hội tự quản về vệ sinh môi trường” và “Đường hoa thay thế cỏ dại”. Đến nay 100% chi hội phụ nữ đã có một đoạn đường hoa. Trong đó, các chi hội phụ nữ: Phúc Tâm, Công Trình có 90% các tuyến đường liên thôn, nội thôn, ngõ xóm được trồng hoa.
Không chỉ xây dựng thành công “Đoạn đường chi hội tự quản về vệ sinh môi trường” và “Đường hoa thay thế cỏ dại”, Hội LHPN xã Phúc Do còn thực hiện hiệu quả các phong trào “Phụ nữ Cẩm Thủy vì môi trường xanh, sạch, đẹp”, “Phụ nữ Cẩm Thủy nói không với túi nilon” do Hội LHPN huyện phát động. Nhằm tạo sức lan tỏa của các phong trào, hội LHPN xã đã lựa chọn 3 chi hội phụ nữ gồm: Phúc Tân, Công Trình, Phúc Tâm để làm điểm. Hội LHPN xã đã mua 272 cái làn, phát cho 272 hội viên, mỗi khi đi chợ, hội viên phụ nữ của các chi hội luôn mang theo làn nhựa để đựng đồ, thay cho thói quen sử dụng túi nilon. Bên cạnh đó, hội LHPN xã đã thành lập tổ phụ nữ thu gom rác thải và hỗ trợ cho 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn xây lò xử lý rác thải tại gia đình. Được cấp ủy đảng thôn Phúc Tân hỗ trợ 200 nghìn đồng, chị Trần Thị Tính, thôn Phúc Tân đã tự nguyện bỏ thêm 300 nghìn đồng để xây dựng lò đốt xử lý của gia đình. Chị Tính chia sẻ: “Gần 1 năm nay, gia đình tôi thực hiện thu gom, phân loại và đốt rác thải ngay tại nhà. Có lò đốt đã hạn chế rất nhiều tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, tạo cảnh quan sạch đẹp không chỉ cho thôn, xóm”. Từ mô hình lò đốt rác của gia đình chị Tính, đến nay hội LHPN xã đã vận động 30 hội viên xây dựng lò đốt rác gia đình.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020” và “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, các cấp hội phụ nữ huyện đã chủ động xây dựng  kế hoạch để hướng dẫn chi hội cơ sở triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, các cấp hội phụ nữ toàn huyện đã xây dựng được 88 mô hình, phát 5.296 chiếc làn nhựa cho hội viên. Song song với đó, các cấp hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở còn vận động hội viên xây lò xử lý rác thải tại gia đình và ký cam kết sử dụng dịch vụ thu gom rác thải do phụ nữ đảm nhận. Trong 2 năm qua, toàn huyện đã có 1.912 hộ gia đình xây lò xử lý rác thải tại gia đình và có 185/214 chi hội có đoạn đường được trồng các loại hoa, cây xanh thay thế cỏ dại, với tổng chiều dài khoảng 62,2 km. Bên cạnh các phong trào trên, các cấp hội phụ nữ trong huyện cũng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội thi tìm hiểu về môi trường, an toàn thực phẩm, giao lưu, thi hái hoa dân chủ; mô hình  “Bếp ăn phụ nữ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường”.

Trần Thanh baothanhhoa.vn