Skip Ribbon Commands
Skip to main content

NTM cần cách tiếp cận mới

Nhận thức của công dân và cộng đồng đang sống và làm việc tại các khu vực nông thôn về vấn đề môi trường còn chưa cao. Người dân nông thôn chưa có ý thức BVMT. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất; việc xả nước, rác thải; sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, việc đầu tư các công trình phục vụ đời sống và sức khỏe (bể nước, cống rãnh thoát nước, hố xí...), việc tham gia công tác vệ sinh môi trường cộng đồng… còn hạn chế. Đặc biệt, trong hoạt động quản lý, BVMT còn nhiều bất cập. Nhận thức của nhiều cấp chính quyền, cơ quan quản lý, tổ chức cá nhân có trách nhiệm về nhiệm vụ BVMT chưa đầy đủ, chưa thấy rõ được nguy cơ ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn sẽ có tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó có sức khỏe người dân. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn ít về số lượng, bất cập về chất lượng. Hiện nay Việt Nam mới chỉ có gần 30 cán bộ quản lý môi trường/1 triệu dân so sánh với một số nước trong khối ASEAN là 70 người/1 triệu dân.



Trong những năm vừa qua, quán triệt thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực. Đời sống đại bộ phận người dân khu vực nông thôn được cải thiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khu vực nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 đã góp phần nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu trong trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các làng nghề tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn đã và đang đặt ra những thách thức đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường và bảo vệ môi trường nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp sau năm 2020

Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giai đoạn trước, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới để nhân ra diện rộng. Tìm tòi, vận dụng những bài học tốt, cách làm hay, vận dụng sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ hai, tiếp tục không ngừng hoàn thiện khung thế chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ cho việc triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí nâng cao, tiêu chí kiểu mẫu, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Cần tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có những phương cách ứng xử phù hợp; đặc biệt chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).

Thứ ba, xác định các nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, có nghĩa là không chỉ trông chờ vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước, mà phải vận dụng tối đa các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư; bên cạnh có, từ việc phân định rõ trách nhiệm của “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra những phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải... nông nghiệp và khu vực nông thôn. Bài học thực tiễn từ hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua đã cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn.

Thứ tư, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là công nghệ xử lý chất thải rắn và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn và bền vững về môi trường; ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường và không phát sinh chất thải.

Thứ năm, áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về môi trường. Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp thuyết phục và hỗ trợ, cần thiết phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của người dân, cần bóc tách những nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các chế tài phù hợp./.

TTHTQT