Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiện trạng chất lượng môi trường nông thôn

Nông thôn Việt Nam đang trên con đường đổi mới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đem lại những thay đổi tích cực về đời sống, cơ sở hạ tầng cũng như cảnh quan môi trường nông thôn.Tuy nhiên, song hành cùng với sự phát triển là những nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ chất thải của các hoạt động sinh hoạt, sản xuất và sự tác động từ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị lân cận. Chất thải từ các hoạt động này đang làm cho môi trường không khí, nước, đất bị ô nhiễm và có xu hướng gia tăng, đặc biệt vấn đề chất thải rắn nông thôn đã gióng lên hồi chuông báo động ở nhiều vùng và địa phương.


Mặc dù bị ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng nước ở các con sông để sinh hoạt hàng ngày

 Môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm

   Môi trường nước mặt tại hầu hết các vùng còn tương đối tốt, có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, tại một số nơi, nước mặt có dấu hiệu suy giảm về chất lượng và ô nhiễm cục bộ chất rắn lơ lửng, chất hữu cơ, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh. Khu vực có chất lượng nước mặt suy giảm chủ yếu là vùng hạ lưu các con sông, các khu vực ven đô, nơi tiếp nhận nước thải tổng hợp từ các khu đô thị và làng nghề...

   Tùy theo địa bàn và thành phần chất thải, mỗi con sông sẽ bị ảnh hưởng bởi các chất gây ô nhiễm khác nhau. Môi trường nước mặt tại khu vực Bắc Bộ và Đông Nam Bộ có mức độ ô nhiễm cao hơn so với các khu vực khác.Đặc biệt, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, nơi có mật độ dân cư đông và hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp phát triển, có những thông số như COD, BOD5, TSS, Coliform vượt QCVN.

   Tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc hay khu vực Tây Nguyên, cũng đã ghi nhận hiện tượng ô nhiễm cục bộ nước mặt do ảnh hưởng từ hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, điển hình như khu vực gần mỏ sắt tại xã Hưng Thịnh (Yên Bái), khai thác vàng, sa khoáng ở Đắc Lắc, Kon Tum...

   Môi trường nước dưới đất tại một số khu vực nông thôn cũng đã có hiện tượng ô nhiễm chất hữu cơ và vi sinh, tập trung ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Môi trường nước dưới đất tại nhiều làng nghề cũng đã bị ô nhiễm kim loại nặng và có xu hướng gia tăng. Tại làng nghề Phong Khê, hàm lượng mangan trong nước dưới đất cao hơn QCVN 5,9 lần, NH4+ cao hơn QCVN 6,1 lần; tại làng nghề Đồng Kỵ, hàm lượng sắt cao hơn QCVN 3,5 lần, NH4+ cao hơn QCVN 7,6 lần.   Ngoài ra, hoạt động nuôi trồng và chế biến thủy hải sản là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng nước mặt vùng Duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Nước mặt khu vực nuôi trồng thủy sản có đặc trưng chứa hàm lượng chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh cao. Một số vùng nông thôn đã xuất hiện ô nhiễm do hoạt động nuôi thủy sản như các xã Thạch Phước, An Thủy, An Nhơn (Bến Tre), nuôi tôm trên cát ở các xã Cát Khánh, Mỹ Đức, Mỹ Thành (Bình Định)...

   Môi trường không khí ô nhiễm cục bộ

   Chất lượng môi trường không khí khu vực nông thôn còn khá tốt, nhiều vùng chưa có dấu hiệu ô nhiễm như khu vực miền núi và khu vực thuần nông, nơi hầu như chưa chịu tác động của các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, chăn nuôi tập trung. Hiện tượng ô nhiễm không khí cục bộ mới chỉ được ghi nhận tại một số làng nghề, khu vực có cụm điểm công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, xung quanh điểm khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng hay tại một số khu vực đang diễn ra hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn.

   Ô nhiễm không khí xung quanh các khu vực làng nghề là vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay.Với đặc thù làng nghề ở nước ta chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, nằm xen kẽ trong khu dân cư nên ô nhiễm không khí mang tính cục bộ và gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.Thành phần và nồng độ các chất gây ô nhiễm phụ thuộc vào loại hình sản xuất. Ô nhiễm mùi tập trung tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ; ô nhiễm bụi phổ biến tại các làng nghề gốm sứ, chế tác đá, đồ gỗ mỹ nghệ hay ô nhiễm khí độc hại tập trung nhiều ở các làng nghề tái chế.

   Tại một số vùng nông thôn có hoạt động chăn nuôi tập trung, chế biến nông-lâm-thủy sản cũng đã và đang có hiện tượng ô nhiễm không khí như ô nhiễm bụi tại vùng chế biến cà phê của Đắc Lắc, Lâm Đồng; ô nhiễm mùi tại khu vực chăn nuôi tập trung vùng nông thôn của Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

   Trong những năm gần đây, các cụm công nghiệp có xu hướng chuyển dần về khu vực nông thôn, thực chất là xu hướng dịch chuyển ô nhiễm từ vùng này sang vùng khác, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí ở nông thôn. Một vài khu vực đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ với nồng độ chất ô nhiễm ở mức cao, một số nơi đã vượt ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN.

TTHTQT