Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đường nông thôn mới đang thay đổi cuộc sống của bà con

Con đường nông thôn mới ở bản Hồ Sì Pán 2 (xã Pu Sam Cáp – Sìn Hồ), đang đảm bảo đi lại thuận tiện 4 mùa. Từ ngày có con đường cuộc sống của người dân bản Hồ Sì Pán 2 đã có nhiều đổi mới.



Người dân tích cực triển khai xây dựng làm đường nông thôn mới

Người dân bản Hồ Sì Pán 2 đang tích cực triển khai xây dựng làm đường nông thôn mới

Về bản Hồ Sì Pán 2 dịp này, đường xá đã khang trang trang từ đầu đến cuối bản. Gặp chúng tôi, Trưởng bản Thào A Nhè phấn khởi khoe: “Bà con vui mừng lắm vì được đi lại trên con đường bê tông mới, vừa vững chãi, vừa sạch đẹp. Bà con hiểu đó là sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào nơi đây. Con đường không chỉ đem đến niềm vui vì bản có điều kiện sống mới, mà niềm vui còn đến từ những bao ngô, thóc được chở đi bán rất thuận tiện, nhanh chóng…”

Bản Hồ Sì Pán 2 nằm ở lưng chừng núi Pu Sam Cáp (dịch ra nghĩa là ngọn núi cao). Trước đây, con đường vào bản vốn đã dốc, đã hẹp lại lắm đá tảng, đá hòn chắn lối. Ngày thường đường ấy có nhiều đoạn người dân phải dắt xe, đi bộ. Ngày mưa đi lại trên con đường cực khổ hơn bởi có những khe, rãnh vừa sâu vừa hẹp lại quanh co khúc khuỷu. Nhớ lại ngày ấy, anh Vàng A Giàng – một người dân trong bản thờ dài: “Ôi khổ lắm, vất lắm! Đường trong bản mà lắm lúc như đường trong rừng. Đi giữa bản mà bước thấp bước cao như trên núi. Nhưng nay thì người dân bản tôi đỡ vất rồi”.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, bao gồm nội dung liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị ở cơ sở và an ninh trật tự xã hội ở nông thôn

Để có được con đường này là cả một sự nỗ lực vận động cả về vật chất, công sức và tinh thần của cấp bộ Đảng, chính quyền cùng người dân. Ông Lưu Đình Hồng – Bí thư Đảng ủy xã Pu Sam Cáp kể lại: “Trước kia không chỉ bà con ở bản Hồ Sì Pán 2, mà nhiều người chưa hiểu được bản chất của việc xây dựng nông thôn mới nên trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Bởi vậy khái niệm hiến đất, góp công, ủng hộ vật liệu… hoàn toàn xa lạ với bà con”.

Theo ông Hồng, để bà con hiểu, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục trực quan như đưa bà con đến thăm mô hình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khác; phát huy vai trò, uy tín của già làng, trưởng bản để vận động thuyết phục bà con tự giác tham gia.

Nhiều nhà sẵn sàng hiến những phần đất vốn đã ít ỏi của gia đình mình cho con đường nội bản thông thoáng, ít bị cua dốc. Đường làm đến đất, đến vườn nhà ai thì nhà ấy tự giải phóng mặt bằng. Mỗi hộ gia đình ít nhất phải góp một lao động để cùng làm đường; vào những ngày nông nhàn, có nhà góp 3, 4 lao động cùng tham gia làm đường và ai ai cũng vui vẻ.

Tính ra, con đường bê tông rộng trung bình 2m, dầy 14cm và dài gần 750m với tổng đầu tư hơn 400 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ vật liệu với trị giá hơn 300 triệu đồng, còn công sức của bà con góp vào cũng lên đến hơn 93 triệu đồng (quy đổi từ gần 500 ngày công của bà con đóng góp).

Con đường thực sự là công sức tự nguyện của nhân dân cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Con đường ấy góp phần mở ra một tương lai mới cho người dân vùng cao Hồ Sì Pán 2 nói riêng và xã Pu Sam Cáp nói chung khi đã có điện, có đường, trường, trạm để bứt phá trên con đường đến đích nông thôn mới.

Ông Thào A Di – người đã chấp nhận cho con đường xẻ đôi mảnh vườn của mình để đường bớt cua dốc, chia sẻ: “Đường tốt thì tốt cho cả bản chứ chả riêng nhà tôi, nên khi được vận động hiến đất làm đường nông thôn mới tôi đã chấp nhận hiến đất cho bản. Khi có đường các cháu bé không bị vấp, người già không bị ngã, cánh thanh niên nhanh nhanh mang thóc, mang ngô đi bán lấy tiền về xây dựng bản giàu đẹp, thế là tôi mừng lắm rồi”.

Khải Huyền ( Dân Việt )