Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Được học nghề trồng rau, phụ nữ Tô Múa "rất hạnh phúc"

Chị Hà Thị Hiền vẫn còn nhớ cuộc sống của mình trước đây khó khăn như thế nào. Người nông dân 29 tuổi này hiện đang sống cùng gia đình ở xã miền núi Tô Múa, thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Trước đây, mỗi năm nhà chị chỉ cấy được một vụ lúa và sau khi thu hoạch chỉ thu được một chút tiền lãi nên cả nhà phải xoay sở rất vất vả.


Một góc dự án trồng rau của HTX rau Tâm Đức, xã Tô Múa, Mộc Châu

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà Thị Hiền chia sẻ: “Lúc đó khó khăn lắm, nhà tôi không biết làm thế nào để có thêm tiền. Cuộc sống khốn khó cứ kéo dài như vậy cho mãi tới khi chúng tôi được giới thiệu một dự án của FAO về tăng cường năng lực cho nông dân Sơn La, để phát huy tiềm năng trồng rau".

Dự án này thuộc dự án Một Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam, trong đó FAO giữ vai trò đi đầu trong việc quản lý và thực hiện dự án. Ngoài Sơn La, dự án còn được thực hiện ở tỉnh Hưng Yên và Lâm Đồng.

Mục tiêu của dự án là tăng thu nhập cho nông dân thông qua tăng cường năng lực về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch (SPS) đối với mặt hàng rau để đáp ứng tiêu chuẩn và tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế, từ đó tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những nông dân như chị Hiền còn rất thiếu kiến thức về kỹ thuật trồng trọt và khả năng tiếp cận thị trường công bằng. Dự án đã tạo cơ hội để họ lần đầu tiên được tham gia khóa tập huấn về sản xuất rau an toàn và đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) và sau đó gia nhập hợp tác xã, nơi nông dân ứng dụng kỹ thuật mà mình học được vào nhiều loại cây trồng.

Dự án đã đạt được thành quả nhất định. “Trước đây, mỗi năm chúng tôi chỉ trồng một vụ lúa, giờ mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều vì mỗi năm chúng tôi thu hoạch tới ba vụ rau”, chị Hiền cho biết.

Hiện giờ chị Hiền đang là xã viên của hợp tác xã trồng rau Tân Đức ở xã Tô Múa. Mộc Châu, Sơn La. Hợp tác xã hiện có 27 xã viên trồng nhiều loại rau với diện tích 5ha. Trong vụ đầu tiên, chị Hiền trồng bắp cải và thu được tới 1,5 tấn.

“Các khóa học này đã thay đổi cách sản xuất nông nghiệp. Tập huấn về khoa học kỹ thuật rất có lợi, bây giờ tôi đã hiểu hơn về kỹ thuật canh tác và tìm thị trường” - chị Hiền cho biết.

Bài học tại các khóa tập huấn còn được bổ trợ thêm bằng mô hình trình diễn áp dụng các cách tiếp cận quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong cả chuỗi 6 loại rau được dự án lựa chọn. Đồng thời, nhiều bộ tài liệu tập huấn về GAP, Kinh doanh trang trại và Lớp huấn luyện nông dân cũng được xây dựng tại 3 tỉnh dự án.

Hợp tác xã của chị Hiền nằm ở vùng xa, cách đường cái tới 20km, cũng được nhận hỗ trợ của dự án trong việc tìm thị trường trong nước.

Dự án này rất có ý nghĩa vì sản xuất rau ở Việt Nam trong một số năm gần đây đã phát triển rất mạnh, cả về sản lượng và năng suất, do nông dân nhận thấy làm rau có thu nhập cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, chẳng hạn như lúa, chè và ngô.

Mằc dù có triển vọng như vậy song trồng rau và thu nhập của nông dân vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi do vẫn còn nhiều vấn đề về mức độ an toàn và chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị, bao gồm sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, nhận thức cũng như áp dụng hạn chế các thực hành nông nghiệp tốt trên đồng ruộng. Thực hành sau thu hoạch còn kém cũng là nguyên nhân khiến sản phẩm nhanh bị hỏng và giảm chất lượng.

Tuy nhiên, dự án kéo dài 3 năm của FAO đã thành công trong việc giúp sản xuất sản phẩm chất lượng cao hơn và nâng cao thu nhập cho chị Hiền cũng như hàng trăm nông dân khác trong tỉnh nhờ tạo ra mối liên kết mới giữa vùng dự án với các nhà thu mua, người bán buôn và bán lẻ để hình thành chuỗi giá trị bền vững. Thành công này sẽ được nhân rộng ra nhiều tỉnh khác trên cả nước.

Từ kết quả của dự án, Chính phủ hiện đang đưa ra nhiều đề xuất về chính sách để mở cửa thị trường và hỗ trợ những nông dân như chị Hiền ngày càng giàu có hơn.  

TTHTQT