Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chung tay bảo vệ môi trường làng nghề

Đề án được phê duyệt với hai mục tiêu tổng quát là tăng cường mạnh mẽ công tác BVMT trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững. Đồng thời, Đề án cũng đề ra bốn nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về BVMT; Thực thi có hiệu quả các công cụ quản lý môi trường; Triển khai các mô hình công nghệ, các biện pháp kỹ thuật nhằm định hướng cho việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên quy mô toàn quốc; Tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực BVMT làng nghề.



Thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, phân bố không đều. Tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân và sự phát triển bền vững của chính các làng nghề. Để bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn, UBND Thành phố đã phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Từ năm 2017 đến nay, nhiều nội dung của Đề án đã được triển khai tích cực.

UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, từ nay đến năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề”. Theo đó, năm 2019, sẽ rà soát, đánh giá phân loại 128 làng nghề. Năm 2020, rà soát đánh giá phân loại 107 làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng tại các khu vực làng nghề trong giai đoạn 2018 – 2020 với mục tiêu cụ thể trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường làng nghề; tăng cường năng lực cho các cán bộ làm công tác quản lý môi trường làng nghề cấp cơ sở; nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề; khuyến khích các hoạt động sản xuất hướng tới xây dựng làng nghề sinh thái thân thiện với môi trường; Triển khai xây dựng hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát ô nhiễm môi trường làng nghề; Nghiên cứu tính khả thi và xây dựng mô hình xã hội hóa để xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề;  Xây dựng đơn giá xử lý nước thải làng nghề.

Tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết BVMT và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành; công nghệ đơn giản, dễ vận hành, chuyển giao; vốn đầu tư, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề; ưu tiên công nghệ có khả năng tận thu, tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn để vừa giảm lượng phát thải, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các dự án nghiên cứu về áp dụng sản xuất sạch hơn cụ thể cho từng loại hình làng nghề để có mô hình trình diễn nhân rộng.

 Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong  BVMT làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững, hài hòa các mặt kinh tế- xã hội và BVMT. Do đó, một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế, không khuyến khích phát triển và một số hoạt động, công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các làng nghề là vấn đề có tính then chốt. Các hoạt động đào tạo, truyền nghề đã có truyền thống từ xưa với những hình thức khá đa dạng. Chúng ta cần có những khảo sát, đánh giá nhu cầu cần đào tạo cho người lao động các làng nghề; đánh giá đội ngũ nghệ nhân, những người đang truyền nghề tại các làng nghề. Có kế hoạch cụ thể phối hợp giữa các làng nghề và các cơ sở dạy nghề có nghề tương đương để huy động đội ngũ giáo viên dạy nghề tham gia các khóa đào tạo nghề và tổ chức cho học viên thực hành nghề phù hợp. Chú trọng mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm và tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

TTHTQT