Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chung tay bảo vệ môi trường biển

Môi trường biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2. Vì vậy, việc ứng dụng và đa dạng hóa các phương thức bảo vệ tài nguyên môi trường biển quốc gia, nhằm khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.


Bảo vệ biển là trách nhiệm của mỗi chúng ta

Hiện tài nguyên sinh vật và các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản hủy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng hải sản, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, a xít hóa đại dương, giao thông hàng hải.

Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Viện tài nguyên quốc tế đã thống kê có tới 80% rạn san hô của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa (nguy hiểm), trong đó 50% nguy cấp.

Để khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, các nhà khoa học đã kiến nghị nhiều giải pháp như nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và khách du lịch.

Sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên bởi việc khai thác, sử dụng các nguồn biển và hải đảo chưa thực sự có hiệu quả, còn thiếu tính bền vững, nhất là trình độ khai thác tài nguyên biển của nước ta vẫn đang ở tình trạng lạc hậu hơn hẳn so với các nước trong khu vực và trên thế giới, cho nên dẫn đến tình trạng lãng phí tài nguyên, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức và hành động của con người trong việc sử dụng, khai thác tài nguyên biển, ven biển và hải đảo.

Việc chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên là một giải pháp cần được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển.

Sự suy thoái và ô nhiễm là một trong những nguyên nhân tiêu cực tác động đến môi trường biển vì thế phải tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

 Đẩy mạnh quản lý tổng hợp đới bờ bởi đới bờ có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Với những vùng đất đồng bằng ven biển màu mỡ và các nguồn tài nguyên biển phong phú, cộng với khả năng tiếp cận thị trường quốc tế một cách dễ dàng, đới bờ đã và đang thu hút sự quan tâm của con người. Đối với Việt Nam, vùng đới bờ biển được xác định theo Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg gồm các huyện, thành phố ven biển, vùng biển tính từ mép nước biển ra biển sáu hải lý.

Đới bờ là tụ điểm phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, nơi tập trung rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hoạt động này.

Trong tương lai, tầm quan trọng của đới bờ sẽ càng lớn hơn do lượng cư dân đến sinh sống tại khu vực đới bờ ngày càng nhiều. Việc quản lý tổng hợp đới bờ hiệu quả sẽ góp phần thiết thực nhằm bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, ven biển và hải đảo nói riêng; giảm nhẹ thiên tai đối với cuộc sống của con người.

Tiến hành quan trắc định kỳ và ghi chép số liệu cụ thể để đánh giá hiện trạng và xu thế diễn biến chất lượng môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo. Từ đó, kịp thời cảnh báo để xử lý nhanh chóng và có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường tốt nhất.

Không chỉ với ngư dân mà hơn hết các cơ quan chức năng phải có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi diễn biến và vào cuộc nhanh chóng để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Cần xây dựng và áp dụng mạnh mẽ các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường biển, ven biển và hải đảo như: Lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, lệ phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính, thuế, cấp phép và thu hồi giấy phép khai thác, sử dụng biển, ven biển và hải đảo, các quỹ môi trường và các khoản trợ cấp khác..

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường là một trong những biện pháp rất quan trọng nhằm bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển, ven biển và hải đảo nói riêng đó là hoàn thiện hệ thống.

Công tác bảo vệ môi trường biển trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật từ cấp trung ương đến địa phương.

Bên cạnh các chính sách về bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo nói chung, cần nghiên cứu, xây dựng chương trình bảo vệ môi trường biển trong phát triển kinh tế nhằm cụ thể hóa các hoạt động bảo vệ môi trường biển, ven biển và hải đảo và phát triển tài nguyên biển.

Vấn đề bảo vệ môi trường biển, ven biển và hảo đảo và phát triển tài nguyên biển hiện nay đang trở nên cáp bách và có nhiều dấu hiệu đáng báo động đối với đất nước ta nói riêng và các quốc gia trên toàn thế giới nói chung.

Song, nếu mỗi chúng ta tự ý thức nâng cao trách nhiệm của mình, không xả rác, nước thải chưa qua xử lý những chất thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước thì những vấn đề liên quan đến môi trường biển, ven biển và hải đảo sẽ được khắc phục.

Chính vì thế, việc bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học là vấn đề cấp bách cần sự chung tay của mỗi chúng ta. 

TTHTQT