Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã có những thay đổi đáng kể, trong đó cảnh quan môi trường được cải thiện theo hướng ngày càng xanh - sạch - đẹp, nhất là ý thức của người dân ngày một được nâng lên, nhờ đó, đường làng, ngõ xóm được nâng cấp; vườn, hàng rào được cải tạo, hiện tượng vứt rác thải bừa bãi dần hạn chế…



Chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Bắc Kạn luôn coi bảo vệ môi trường là yêu cầu cơ bản, xuyên suốt trong quá trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, thời gian qua UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ, chủ động lồng ghép các nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào công tác chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực.

Hàng năm, tỉnh đều bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường để hỗ trợ các địa phương xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt, nhằm đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 10 xã, 06 huyện được đầu tư mô hình đốt rác thải sinh hoạt. Các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng đã thành lập tổ đội thu gom rác thải sinh hoạt; việc thu gom rác thải hiện đi vào nề nếp, góp phần chấm dứt tình trạng vứt rác xuống lòng sông, lề đường, nơi công cộng...

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và người dân trong bảo vệ môi trường. Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh, các gia trại chăn nuôi đầu tư xây dựng hệ thống biogas để xử lý chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi. Các xã đã tích cực triển khai, vận động người dân thực hiện cải tạo, chỉnh trang hàng rào vệ sinh đường làng, ngõ xóm; khơi thông cống rãnh, phát quang cỏ dại; thu gom rác thải...

Nâng cao ý thức người dân

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất đối với các xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khi xây dựng nông thôn mới. Hiện trên địa bàn tỉnh, các cơ sở chăn nuôi vẫn chủ yếu có quy mô hộ gia đình, chỉ một số ít sử dụng biện pháp xử lý nước thải bằng hầm biogas, còn lại đều xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường. Mặt khác, do tập quán chăn nuôi lâu đời nên việc vận động người dân di rời chuồng trại ra xa nhà vấn còn rất khó khăn. Đa số các xã đều đã có kênh mương thoát nước thải nhưng chủ yếu là rãnh đất, chưa được xây kiên cố, chưa đảm bảo việc thoát nước, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Một đặc điểm nữa là dân cư trên địa bàn tỉnh sinh sống không tập trung nên khó khăn trong việc thu gom, xử lý rác thải...

Để hoàn thành và duy trì Tiêu chí số 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có quy hoạch cụ thể và có lộ trình để thực hiện, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn, trong đó vai trò ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường vận động nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu dân cư, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại, đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải và xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn; thành lập các đội tự quản vệ sinh môi trường tại các thôn, bản…

UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện, thành phố hỗ trợ các hoạt động truyền thông, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong mai táng đối với đồng bào dân tộc ít người, vùng còn những tập quán mai tang lạc hậu; xây dựng các nghĩa trang kiểu mẫu để phổ biến áp dụng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh thu gom và xử lý rác thải, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại khu vực nông thôn; lồng ghép các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng các công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn…/.

Đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước họp vệ sinh theo quy định (đạt từ 90% trở lên) có 83 xã; 49 xã đạt tiêu chí về tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường; 17 xã đạt tiêu chí xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; 87 xã được đánh giá đạt tiêu chí mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; 77 xã đạt tiêu chí xây dựng các điểm xử lý rác thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình và nhóm hộ gia đình; 22 xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 73 xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 60% trở lên; 42 xã đạt tiêu chí hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm...

Thu Cúc