Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bài dự thi: La Hiên, đột phá từ xây dựng nông thôn mới

Từ một ngọn núi cao, phóng mắt nhìn, thấy La Hiên (Võ Nhai) đẹp như bức tranh phong cảnh. Tác giả khắc họa bức tranh là những nông dân chân chất, cần cù, chẳng quản khó nhọc, cùng làm nên từng mùa vàng và kiến thiết, tạo dựng nên những công trình hạ tầng cơ sở khang trang, sạch, đẹp. Trao đổi với chúng tôi, bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã tự hào: Có được một La Hiên đổi mới như ngày hôm nay, đó là kết quả triển khai, thực hiện thành công Chương trình xây dựng Nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong xã.


Đến hết năm 2016, xã La Hiên đã xây dựng cứng hóa được hơn 11 km kênh mương nội đồng,đảm bảo cung cấp nước tưới cho mùa vụ.

Không nôn nóng chạy theo thành tích, La Hiên chủ trương làm đâu chắc đó, dễ thực hiện trước, khó thực hiện sau, nhẫn nại như người nông dân cày ruộng. Nhưng quan trọng là làm như thế nào để cán bộ, đảng viên và mọi người dân cùng nhập cuộc, làm nên thành tích chung là thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao được chất lượng sống cho người dân. Ông Đàm Đại Thắng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho biết: Xây dựng Nông thôn mới, quan trọng là đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền địa phương có tâm, có tầm, không tư lợi, không gượng ép quá sức dân, nhất là việc phát huy tinh thần dân chủ, tôn trọng nhân dân, mọi công việc đều thực hiện trên nguyên tắc: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. 
 
Được biết, xã La Hiên có diện tích đất đai tự nhiên là 3.869,5 ha, gồm: đất nông nghiệp 2.541,38 ha; đất phi nông nghiệp: 308,14 ha; đất chưa sử dụng: 1.019,98 ha. Xã có 2.148 hộ, 8.209 nhân khẩu, cư trú tại 16 xóm, gồm các dân tộc: Kinh, Nùng, Tày, Dao, Cao Lan, Mường, Sán Chí, Sán Chay, Mông. Năm 2011, triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, xã La Hiên có 5 tiêu chí đạt chuẩn. Nhưng đến tháng 12 năm 2016, xã đã có 19 tiêu chí đạt chuẩn. 
 
Nhớ độ hơn 6 năm về trước, lên La Hiên, ngủ nhờ nhà dân, tôi chứng kiến một vùng đất không ngủ. Vì nghèo khó, nhiều người phải bỏ về thành phố làm thuê; đến các bãi vàng tìm vận may, thậm chí phải trắng đêm không ngủ vì phải mưu sinh bằng cách đi chuyển gỗ thuê cho lâm tặc. Nay nghĩ suy của người dân khác nhiều, bà con động viên nhau bám đất, bám quê, giúp nhau vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách trồng cây ăn quả, cấy lúa chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nói chuyện làm ăn, ông Nguyễn Văn Tộ, xóm Hiên Bình cởi mở: Đất La Hiên phù hợp cho phát triển trồng cây ăn quả. Hiện gia đình tôi có 150 gốc na được thực hiện chăm sóc, thu hoạch, bảo quản quả sau thu hái theo quy trình Vietgap. Na đạt năng suất, chất lượng và giá thành cao, được 50 triệu đồng tiễn lãi một năm. 
 
Để làm giàu, nhiều nông dân trong xã đã liên kết lại, làm ăn tập trung theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác. Điển hình như Hợp tác xã Điện - nước Hải Bình; Hợp tác xã Kinh doanh vật liệu xây dựng sản xuất dịch vụ Hoàng Thịnh Phát... Các hợp tác xã đã tập hợp được hàng chục hộ dân trong vùng góp tiền vốn và công sức, bảo đảm đủ mạnh về tiềm lực kinh tế cũng như khả năng sản xuất, kinh doanh để vươn ra thị trường lớn trong tỉnh. Tại 2 xóm Hiên Minh, Hiên Bình, các hộ trồng na đã thành lập được tổ hợp tác. Tại các xóm: Trúc Mai, Làng Lai, Cây Bòng, Đồng Đình... đang ngày càng xuất hiện nhiều mô hình trồng cây ăn quả: na, nhãn miền Hưng Yên, bưởi Hoàng, táo ngọt và các mô hình trồng rừng, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 
Theo bà Bùi Thị Sen, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai: Xã La Hiên đã có cuộc lột xác, thoát khỏi cái vỏ kén nghèo đói để cùng cả tỉnh đi lên. Còn ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho rằng: Nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ cho La Hiên xây dựng Nông thôn mới, ví như một cú hích quan trọng làm đổi thay được nhận thức của cán bộ, nhân dân địa phương, từ đó tạo nên sự chuyển biến lớn trong nhận thức của mỗi người trong việc chung tay, góp sức xây dựng Nông thôn mới.
 
Về xóm La Đồng, đi trên tuyến đường bê tông sạch, đẹp mới được xây dựng hoàn thiện trong năm 2016, ông Hạc Minh Chiến, Trưởng xóm tâm đắc: Chương trình xây dựng Nông thôn mới có tác động lớn đến tư tưởng của người dân. Chương trình làm “chuyển hóa” từ suy nghĩ trông đợi vào Nhà nước sang chủ động đóng góp tiền của, công sức xây dựng hạ tầng cơ sở ngay trên quê hương mình. Nhờ vậy mà sau 6 năm bền bỉ vừa tuyên truyền, vừa vận động đóng góp, chúng tôi đã cùng xây dựng nên một La Đồng hoàn toàn mới. Cụ thể là các công trình thủy lợi được xây dựng chắc chắn, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho các khu đồng. Nông dân chúng tôi chủ động được mùa vụ… Giây lát dừng lời, ông Chiến tiếp tục câu chuyện như tâm sự: Sức dân có hạn, nên mỗi năm gắng một chút, xóm La Đồng đã có tuyến đường bê tông dài hơn 2.400 mét chạy qua các ngõ xóm.
Từ La Đồng sang Khuôn Ngục, qua từng trục đường bê tông, chúng tôi gặp bên đường thấp thoáng những mái nhà xây lợp tôn đỏ ẩn hiện trong vườn xanh cây lá. Đây là kết quả của việc triển khai có hiệu quả Chương trình Xây dựng Nông thôn mới ở La Hiên. Trong 6 năm (2011-2016), xã La Hiên có 1.655 hộ được Nhà nước hỗ trợ với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng để sửa chữa và xây nhà mới đạt chuẩn. Qua công tác kiểm đếm, đánh giá chất lượng của cơ quan chức năng, đến hết năm 2016, xã La Hiên có hơn 2.000 hộ có nhà ở đạt chuẩn Nông thôn mới (đạt 94,2%); số hộ nghèo còn 187 hộ, giảm 239 hộ so với năm 2011; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,54 triệu đồng/người/năm, tăng 26 triệu đồng so với năm 2011.
Giữa khung cảnh thanh bình của một xã miền núi, lại được nghe, đọc từng con số ấn tượng về phát triển kinh tế - văn hóa xã hội ở địa phương, đoạn đường như được rút ngắn lại. Xóm Khuôn Ngục - địa chỉ nghèo nhất của xã La Hiên đã ở trước mặt. Cái cảnh trẻ em cắp sách đi trên bùn đất, người nông dân lầm lụi vì khó nghèo lùi vào dĩ vãng. Một Khuôn Ngục đổi mới có đường xá phong quang, sạch đẹp, không phân rơi, rác bẩn. Một Khuôn Ngục 24/24 giờ người dân được sử dụng điện quốc gia. Thấy tôi xúc động, bà Lý Thị Trúc, trưởng xóm tự hào: Mới nhất với Khuôn Ngục phải kể đến khu nhà văn hóa của xóm vừa được xây dựng hoàn thiện. Bà con đã có một nơi hội họp, trao đổi, giao lưu văn hóa, văn nghệ và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao.
 
Năm 2016, ở xã La Hiên, cùng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân 2 xóm Khuôn Ngục và Xuân Hòa đã đóng góp xây dựng hoàn thiện nhà văn hóa xóm, với tổng giá trị tiền hơn 672 triệu đồng. Các xóm: Làng Lai, Đồng Đình, Làng Kèn, Cây Bòng, Hang Hon, Làng Giai, Khuân Vạc, Đồng Dong, nhân dân đóng góp tiền, công lao động sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa. Trong năm, nhà chức năng trung tâm văn hóa xã cũng được thi công hoàn thiện, với tổng kinh phí hơn 831 triệu đồng. Cũng trong năm 2016, Nhà nước đã hỗ trợ cho La Hiên hơn 9,7 tỷ đồng để xây dựng chợ nông thôn. Hiện chợ đã xây dựng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu giao thương cho nhân dân quanh vùng. Toàn bộ các công trình xây dựng trên địa bàn được xã La Hiên thực hiện lồng ghép, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước, nguồn xã hội hóa và công sức đóng góp của nhân dân đều đạt chuẩn Nông thôn mới.
Chúng tôi biết: Trong xây dựng Nông thôn mới, hầu hết các tiêu chí về xây dựng hạ tầng cơ sở đều liên quan tới việc huy động sức dân. Trong 6 năm vừa qua, La Hiên có tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 142 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, chợ nông thôn; trường học, trạm y tế đạt chuẩn và xây dựng các điểm thu gom xử lý rác thải và hỗ trợ nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tham gia Chương trình xây dựng Nông thôn mới, trong xã có 95 hộ đã hiến hơn 16.000m2 đất để xây dựng các công trình nhà văn hóa xóm, chợ nông thôn và mở rộng thêm các tuyến đường bê tông. Ngoài hiến đất, nhân dân trong xã còn đóng góp được 9,405 tỷ đồng và gần 60.000 ngày công lao động.
 
“Cán đích” Nông thôn mới đúng kế hoạch vào cuối năm 2016, nhưng người La Hiên chưa bằng lòng với thực tại, tiếp tục với chủ trương giữ chuẩn, nâng chuẩn Nông thôn mới, với mục đích thiết thực là từng bước nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân, La Hiên vẫn đang tiếp tục công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.